Giải Quyết Tranh Chấp
image_pdfimage_print

Cơ sở

Luật pháp Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của các bên trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. Trên thực tế, các bên (bên nước ngoài và bên Việt Nam) có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ một bên thứ ba (bên trung gian, hòa giải viên) để cùng tìm ra một giải pháp thiện chí để giải quyết các bất đồng.

Nếu các nỗ lực hòa giải/ giải quyết trên tinh thần thiện chí không thành, các bên có thể đưa vấn đề tranh chấp ra các cơ quan giải quyết tranh chấp khác nhau, trong và ngoài Việt Nam, để giải quyết, bao gồm:

(i) Trọng tài thương mại: trọng tài trong nước và trọng tài nước ngoài, với địa điểm giải quyết tranh chấp trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam; và

(ii) Tòa án: Tòa dân sự và tòa xử lý hành chính thuộc Tòa án Nhân dân cấp huyện và Tòa dân sự, tòa hành chính, tòa kinh tế và tòa lao động thuộc Tòa án Nhân dân cấp tỉnh.

Chi tiết về mỗi cơ quan giải quyết tranh chấp được mô tả dưới đây.

Các cơ quan giải quyết tranh chấp ở Việt Nam

Hệ thống giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan tới quan hệ pháp lý trong hoạt động thương mại hiện tại ở Việt Nam, bao gồm:

(i)  Các trung tâm trọng tài thương mại (“TTTTTM”), và
(ii)  Các tòa kinh tế.

Cần lưu ý rằng kể từ khi Pháp lệnh Trọng tài Thương mại (hiện đã không còn hiệu lực) được ban hành ngày 25 tháng 2 năm 2003 (“Pháp lệnh”), không còn có sự phân biệt giữa hệ thống trọng tài kinh tế trước đây được thành lập theo Nghị định số 116/CP ngày 5/9/1994 và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tất cả các trung tâm này đều là các trung tâm trọng tài thương mại được đăng ký hoạt động theo Pháp lệnh, là các tổ chức phi chính phủ và đều có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp thương mại nói chung. Đến khi Luật Trọng tài Thương mại được ban hành năm 2010, các trung tâm trọng tài thương mại Việt Nam được mở rộng hơn đối với cả các trọng tài viên nước ngoài và trong việc hỗ trợ tòa án giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn.

Các trung tâm này hoạt động dưới sự quản lý tập trung của Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để thành lập một trung tâm trong tài thương mại, ít nhất phải có năm trọng tài viên sáng lập, là người Việt Nam định cư ở Việt Nam và có trình độ chuyên môn phù hợp (có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bằng cấp, 05 năm kinh nghiệm trở lên, v.v.).

Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài và pháp luật giải quyết tranh chấp do Hội đồng Trọng tài quyết định. Phán quyết trọng tài được đưa ra bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số, trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày có phán quyết trọng tài, nếu một bên không đồng ý với quyết định trọng tài, thì bên đó có thể yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài. Sau đó, các bên có thể chuyển tranh chấp ra tòa án để giải quyết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Các cơ quan giải quyết tranh chấp ở nước ngoài

Các bên tranh chấp có thể đưa tranh chấp của mình ra một trung tâm trọng tài quốc tế hoặc nước ngoài giải quyết ở ngoài hay trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng là một giải pháp tốt hơn so với lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong nước do chi phí cao hơn, trong khi đó khả năng công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các phán quyết do trọng tài nước ngoài đưa ra có thể gặp một số khó khăn so với các phán quyết của trọng tài trong nước mặc dù Việt Nam đã gia nhập Công ước New York năm 1958 về Công nhận và Thi hành Phán quyết của Trọng tài Nước ngoài và cũng đã phê chuẩn Pháp lệnh về Công nhận và Thi hành Phán quyết của Trọng tài Nước ngoài vào năm 1995. Pháp lệnh này đã được thay thế bởi các quy định liên quan tại Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành được ban hành ngày 25/11/2015.

Thi hành

Theo các quy định hiện hành, nếu một phán quyết do tòa kinh tế đưa ra nếu không được thi hành một cách tự nguyện, thì có thể sử dụng nhiều thủ tục khác nhau để cưỡng chế thi hành, chẳng hạn tịch biên tài sản. Tuy nhiên, các thủ tục này không phát huy được nhiều ý nghĩa trên thực tế do thiếu các quy định cụ thể để thi hành. Thực tế cho thấy một số quy định cưỡng chế thi hành các phán quyết dân sự đã được tham chiếu để sử dụng khi cưỡng chế thi hành các bản án kinh tế.

Liên quan tới các phán quyết của trọng tài trong nước, khác với trước đây, việc cưỡng chế thi hành các phán quyết của trọng tài nay đã được xác định rõ trong Pháp lệnh, và sau này là Luật. Nếu một phán quyết của trọng tài không được bên thua tự nguyện thi hành, thì sau 30 ngày kể từ ngày có phán quyết, bên thắng kiện có thể yêu cầu thi hành án cưỡng chế thi hành.

Liên quan tới các phán quyết của trọng tài nước ngoài và các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, các phán quyết, bản án và quyết định này có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam sau khi Việt Nam đã ban hành hai pháp lệnh, hiện nay là một phần riêng trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, về công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài và các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài và các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài vẫn còn hạn chế. Tòa án Việt Nam sẽ chỉ xem xét công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài đối với: (a) phán quyết của một quốc gia là thành viên của một công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đã ký kết, hoặc (b) căn cứ trên nguyên tắc có đi có lại vô điều kiện mà Việt Nam và quốc gia liên quan là thành viên hoặc đã ký kết công ước quốc tế liên quan.

Trở lại
error: Content is protected !!