
Tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP)
Kinh tế – xã hội những năm gần đây diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn với các nhân tố khó lường. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, với tỷ lệ 5,32% năm 2009, 6,78% năm 2010, 5.89% năm 2011, 5,25% năm 2012, 5,42% năm 2013, 5,98% năm 2014, 6,68% năm 2015, và 6,21% trong năm 2016. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài kết hợp với những khó khăn và bất cập nội tại của nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam có giảm sút. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trước. Mức tăng trưởng năm 2016 tuy thấp hơn mức tăng của năm 2015 và không đạt mục tiêu 6,7% đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng của các năm 2011-2014 trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì việc đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đồng thời cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.
Năm
|
2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 |
2016 |
Tăng trưởng GDP | 5,32% | 6,78% | 5,89% | 5,25% | 5,42% | 5,98% | 6,68% | 6,21% |
Tăng trưởng Ngành
Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam về cơ bản gồm ba ngành: nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng, và dịch vụ. Nền kinh tế Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi trong những năm qua, với tỷ trọng ngành nông nghiệp ngày càng giảm và các ngành công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng.
Năm | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 |
Nông – lâm nghiệp, thủy sản | 1,82% | 2,78% | 3,08% | 2,67% | 2,63% | 3,44% | 2,41% | 1,36% |
Công nghiệp – xây dựng | 5,52% | 7,7% | 6,49% | 5,43% | 5,08% | 6,42% | 9,64% | 7,57% |
Dịch vụ | 6,63% | 7,52% | 6,12% | 6,56% | 6,72% | 6,16% | 6,33% | 6,98% |
Dòng vốn Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài
Tính đến ngày 20/03/2017 đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 23,071 dự án, tổng vốn đăng ký trên 300,74 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 158,45 tỷ USD. Trong ba tháng đầu năm 2017, cả nước có 493 dự án ĐTNN mới được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đăng ký 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, có 223 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm trên 3,94 tỷ USD, tăng 206,4% so với cùng kỳ năm 2016; 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị là 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016. Tính chung cả cấp mới, tăng vốn và góp vốn mua cổ phần, trong ba tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số vốn thực hiện trong ba tháng đầu năm 2017 đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này đã thể hiện FDI của Việt Nam đang hồi phục vững chắc sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như trong nước.
Xét theo ngành, ngành Công nghiệp Chế biến & Chế tạo thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, với số vốn đăng ký trên 178,574 tỷ USD và 11.903 dự án. Ngành Bất động sản & Xây dựng đứng thứ hai với số vốn đăng ký trên 63,509 tỷ USD và 2,008 dự án. Ngành Sản xuất và Phân phối Điện, Khí đốt & Nước có số vốn đăng ký trên 12,908 tỷ USD và 108 dự án; ngành Dịch vụ Lưu trú & Ăn uống có số vốn đăng ký gần 11,539 tỷ USD và 562 dự án; và ngành Bán buôn & bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có số vốn đăng ký gần 5,6 tỷ USD và 2.357 dự án.
Theo địa phương, cả 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đều có đầu tư nước ngoài. Trên cả nước, đầu tư nước ngoài tập trung ở miền Nam, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội và Đồng Nai. Trong số các tỉnh, thành phố lớn, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương là những địa điểm hấp dẫn đầu tư nhất, chiếm khoảng 15,1% và 9,2% tổng lượng vốn đăng ký tại Việt Nam. Bà Rịa–Vũng Tàu, Hà Nội, và Đồng Nai đứng sau, với số vốn đăng ký chiếm tương ứng 9%, 8,6% và 8,5% tổng lượng vốn đăng ký.
Theo quốc gia, có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc hiện là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với 5.932 dự án và số vốn đăng ký trên 54,01 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản, Xinh-ga-po, Đài Loan, đảo British Virgin, v.v. Năm nền kinh tế hàng đầu này đã đầu tư vào 14.346 dự án (chiếm hơn 62,18% tổng số dự án được cấp phép) với tổng vốn đăng ký trên 188,768 tỷ USD (chiếm gần 62,77% tổng số vốn đăng ký). Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hồng Kông, Malaixia, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Thái Lan đã có động lực để tham gia một cách vững chắc vào thị trường Việt, và hiện nay đang thuộc nhóm 10 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. 10 quốc gia này chiếm trên 82,29% tổng số dự án được cấp phép và trên 82,3% tổng số vốn đăng ký tại Việt Nam.
Cam kết Vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) và Vốn Vay Ưu đãi
Năm 1993 Việt Nam nhận khoản viện trợ ODA đầu tiên trị giá 1,8 tỷ USD từ các nhà tài trợ quốc tế. Con số này đã tăng lên theo từng năm và từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm từ cộng đồng 51 nhà tài trợ toàn cầu (28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương). Nhờ tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, cam kết ODA của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam mặc dù khá cao nhưng đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Cụ thể, vốn ODA được cam kết cho năm 2010 là 8,063 tỷ USD, cho năm 2011 là 7,88 tỷ USD, cho năm 2012 là gần 7,4 tỷ USD, trên 7 tỷ USD trong năm 2013, khoảng 5,6 tỷ năm 2014, hơn 2,75 tỷ USD năm 2015, và khoảng 5,38 tỷ USD trong năm 2016 do nhiều quốc gia dừng hoặc giảm vốn ODA cho Việt Nam khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 đồng thời phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đảm bảo nợ công bền vững. Trên thực tế, nhờ vào năng lực và kinh nghiệm tiếp nhận vốn của Việt Nam, nguồn vốn này đang được giải ngân ngày càng hiệu quả, từ 3 tỷ USD năm 2009, 3,5 tỷ USD năm 2010, 3,65 tỷ USD năm 2011, khoảng 3,9 tỷ USD trong năm 2012, khoảng 5,1 tỷ USD trong năm 2013, khoảng 5,65 tỷ USD trong năm 2014, 3,7 tỷ USD năm 2015, và ước tính 3,7 tỷ USD trong năm 2016 đưa số vốn ODA đã giải ngân từ trước đến nay lên khoảng 65,1 tỷ USD.
Hội nhập quốc tế
Nhờ được chuẩn bị tốt, từ tháng 11 năm 2007, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO, và cùng năm đó được hưởng Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Mỹ. Ngoài Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc được ký kết vào năm 2004, Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa các quốc gia ASEAN và Hàn Quốc ký năm 2005, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa các quốc gia ASEAN và Nhật Bản có hiệu lực hoàn toàn và một hiệp định riêng được Việt Nam ký kết với Nhật Bản trong cùng năm 2008, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Úc – Niu Dilân có hiệu lực vào năm 2010, và đến năm 2015 Việt Nam kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (được ký chính thức cuối năm 2015) tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn vào năm trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với mức thuế suất thấp hơn rất nhiều. Cùng với đó, vào ngày 04 tháng 02 năm 2016, 12 quốc gia tham gia Hiệp định TTP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Trans Pacific Partnership), trong đó có Việt Nam, đã tham dự Lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland, Niu Di-lân. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký xác thực lời văn Hiệp định TPP và 35 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước TPP. Các thỏa thuận song phương này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP.