
Ngân hàng nước ngoài, công ty kiểm toán, công ty bảo hiểm, công ty luật, công ty quản lý quỹ, v.v. và các tổ chức kinh tế nước ngoài khác có thể thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Cơ quan cấp phép trong từng trường hợp là khác nhau, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Bộ Tài chính cấp phép thành lập chi nhánh công ty kiểm toán, công ty bảo hiểm và công ty quản lý quỹ, Bộ Tư pháp cấp phép thành lập chi nhánh công ty luật, v.v. và hiện nay Bộ Công Thương được ủy quyền cấp phép thành lập chi nhánh của các doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam.
Phần này chỉ tập trung vào chi nhánh của các công ty/thương nhân nước ngoài, hoạt động dưới sự quản lý của Sở Công Thương tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với lưu ý rằng việc thành lập mới chi nhánh công ty nước ngoài đều phải tuân thủ các cam kết WTO của Việt Nam, theo đó về nguyên tắc, Việt Nam không cam kết cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được lập chi nhánh tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ trừ các ngành sau:
(i) Dịch vụ pháp lý;
(ii) Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan;
(iii) Dịch vụ tư vấn quản lý;
(iv) Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý;
(v) Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật liên quan;
(vi) Dịch vụ nhượng quyền thương mại;
(vii) Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ;
(viii) Dịch vụ ngân hàng;
(ix) Một số dịch vụ chứng khoán (Dịch vụ quản lý tài sản; Thanh toán và thanh toán bù trừ chứng khoán, các công cụ phái sinh và các sản phẩm liên quan đến chứng khoán khác; Cung cấp và chuyển thông tin tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán; Tư vấn trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty, v.v.).
Tuy nhiên, việc cấp phép trên thực tế có thể khác với quy định trong các cam kết WTO của Việt Nam như đã nêu. Hiện nay, chưa có bất kỳ thông tin nào về thời điểm Chính phủ Việt Nam sẽ hủy bỏ rào cản gia nhập thị trường nói trên.
7.1 Văn bản Pháp luật
Luật Thương mại ban hành ngày 14/01/2005 thiết lập nền tảng pháp lý chung cho hoạt động của các văn phòng đại diện và chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định số 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/01/2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về VPĐD và chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị định 07”).
Để hướng dẫn thực hiện Nghị định 07, ngày 05/07/2016 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BCT, quy định chi tiết tất cả các biểu mẫu liên quan đến việc xin cấp phép, tổ chức và và hoạt động của các VPĐD và chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (“Thông tư 11”).
7.2 Yêu cầu
Theo Nghị định 07, thông thường, một doanh nghiệp nước ngoài sẽ được cấp giấy phép thành lập chi nhánh nếu đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Công ty mẹ được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
(ii) Công ty mẹ đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
(iii) Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty mẹ có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
(iv) Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ;
(v) Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc công ty mẹ không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
7.3 Đề nghị Cấp giấy phép
Để thành lập chi nhánh tại Việt Nam, một công ty nước ngoài phải nộp một bộ hồ sơ cho Bộ Công Thương xin cấp giấy phép. Các tài liệu sau cần được nộp cho cơ quan cấp giấy phép để đề nghị cấp Giấy phép:
(i) Đơn đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu);
(ii) Bản sao được hợp pháp hóa lãnh sự giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương và các bản sửa đổi giấy đăng ký kinh doanh của công ty mẹ;
(iii) Văn bản của công ty mẹ được dịch ra tiếng Việt và chứng thực về việc cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;
(iv) Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi công ty mẹ thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của công ty mẹ trong năm tài chính gần nhất;
(v) Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực Điều lệ hoạt động của Chi nhánh trong đó quy định rõ phạm vi ủy quyền cho người đứng đầu Chi nhánh;
(vi) Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh: bản sao biên bản ghi nhớ, thỏa thuận thuê địa điểm, hoặc tài liệu chứng minh công ty mẹ có quyền khai thác, sử dụng địa điểm; bản sao tài liệu về địa điểm; và
(vii) Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hộ chiếu người đứng đầu Chi nhánh.
7.4 Thời hạn Cấp phép
Giấy phép thành lập Chi nhánh thông thường sẽ được cấp trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ. Đơn vị xin cấp phép phải trả phí cấp phép là 1 triệu đồng Việt Nam cho một giấy phép. Phí cấp phép phải được thanh toán sau khi bộ hồ sơ đề nghị cấp phép được phê duyệt.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp giấy phép, thông tin về Chi nhánh sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép.
7.5 Các Hoạt động được phép Thực hiện
Một chi nhánh được phép mua bán hàng hoá và thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo quy định của Luật Thương mại, cụ thể là:
(i) Cung ứng dịch vụ trong các ngành dịch vụ, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập chi nhánh trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành;
(ii) Cho thuê văn phòng, cho thuê và/hoặc mua sắm trang thiết bị cần thiết để vận hành chi nhánh;
(iii) Tuyển dụng nhân viên;
(iv) Thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại Giấy phép;
(v) Mở tài khoản ngân hàng;
(vi) Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;
(vii) Có con dấu mang tên chi nhánh;
(viii) Thực hiện các hoạt động thương mại và các hoạt động khác nêu trong Giấy phép.
7.6 Thời hạn Giấy phép
Giấy phép thành lập chi nhánh có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty mẹ trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn. Giấy phép hoạt động có thể được gia hạn khi hết thời hạn, trừ trường hợp có các hành vi vi phạm sau:
(i) Không hoạt động trong 01 năm và không phát sinh các giao dịch với Cơ quan cấp giấy phép.
(ii) Không báo cáo về hoạt động của Chi nhánh trong 02 năm liên tiếp.
(iii) Không gửi báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
(iv) Trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, khi có các hành vi vi phạm trên, Chi nhánh sẽ bị thu hồi Giấy phép thành lập.
7.7 Thuế
Chi nhánh của các doanh nhân nước ngoài phải đóng thuế theo các quy định của Việt Nam. Nội dung này sẽ được nêu chi tiết trong Phần 16 dưới đây.