Chuyển Giao Công Nghệ

Văn bản Pháp luật

Bộ luật Dân sự (bộ luật cũ do Quốc hội ban hành ngày 14/06/2005, và nay được thay thế bằng bộ luật mới được ban hành ngày 24/11/2015) tạo lập nền tảng pháp lý cơ bản cho các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự hiện là Luật Chuyển giao Công nghệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và Nghị định số 133/2008/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2008, được sửa đổi và bổ sung bằng Nghị định số 103/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 (“Nghị định 133”) và Nghị định số 120/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 (“Nghị định 120”).

Phạm vi Hoạt động Chuyển giao Công nghệ

Phạm vi hoạt động chuyển giao công nghệ khá rộng. Công nghệ chuyển giao phải không nằm trong danh mục các công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc danh mục các công nghệ cấm chuyển giao, quy định tại các Phụ lục 2 và 3 của Nghị định 120. Đối tượng công nghệ được chuyển giao là một phần hoặc toàn bộ công nghệ sau:

(i)    Bí quyết kỹ thuật;
(ii)    Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; và
(iii)    Giải pháp hợp lý hóa sản xuất và đổi mới công nghệ;
(iv)    Nhượng quyền thương mại.

Đối tượng công nghệ được chuyển giao có thể gắn hoặc không gắn với đối tượng sở hữu công nghiệp.

Nội dung Hợp đồng

Các bên tham gia giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây:

(i)     Tên hợp đồng chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ tên công nghệ được chuyển giao;
(ii)     Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra;
(iii)    Chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ;
(iv)    Phương thức chuyển giao công nghệ;
(v)     Quyền và nghĩa vụ của các bên;
(vi)    Giá, phương thức thanh toán;
(vii)   Thời điểm, thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
(viii)   Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có);
(ix)    Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ;
(x)    Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao;
(xi)    Phạt vi phạm hợp đồng;
(xii)   Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
(xiii)   Pháp luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp;
(xiv)  Cơ quan giải quyết tranh chấp;
(xv)   Các thoả thuận khác không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương văn bản, bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thoả thuận; trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt. Hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị như nhau.

So với các quy định cũ, các quy định mới về chuyển giao công nghệ thông thoáng hơn và tôn trọng kế hoạch kinh doanh của các bên, vì đã bỏ đi một số hạn chế và quy định cấm trong một hợp đồng chuyển giao công nghệ, ví dụ như về giá bán công nghệ, nguồn cung cấp nguyên liệu, thị trường, thời hạn, v.v.

Đăng ký và Thời hạn

So với các quy định cũ, các quy định hiện hành cho phép các bên có toàn quyền quyết định việc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật, thay vì bắt buộc phải đăng ký như trước đây.

Theo Nghị định 133, các cấp có thẩm quyền xác nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ gồm:

(i) Tại cấp trung ương, Bộ KHCN cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được gửi 01 (một) bản cho Sở KHCN tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, nơi bên nhận đặt trụ sở chính để phối hợp theo dõi và kiểm tra việc thực hiện hợp đồng; và
(ii) Tại cấp địa phương, Sở KHCN tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ không thuộc trường hợp nêu ở trên. Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được gửi 01 (một) bản đến Bộ KHCN để quản lý tổng hợp.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng. Thông thường, nếu bộ hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:

(i) Đơn đề nghị đăng ký; và
(iv) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trong trường hợp các bên tham gia chuyển giao công nghệ là tổ chức, cá nhân Việt Nam thì chỉ cần bản hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt. Hợp đồng phải được các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên tham gia hợp đồng là tổ chức.

Thuế

Các loại thuế áp dụng cho bên chuyển giao sẽ được nêu cụ thể trong Phần 16 dưới đây.