Nhà Thầu Nước Ngoài

Thương nhân nước ngoài có thể tham gia đấu thầu để thực hiện các dự án và các công việc kinh doanh khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhà thầu nước ngoài thường gặp khó khăn khi đấu thầu tại Việt Nam vì vẫn thiếu các quy định chung về vấn đề này.

Văn bản Pháp luật

Hiện nay, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thay thế Quyết định số 87/2004/QD-TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, được sửa đổi và bổ sung bằng Quyết định số 03/2012/QD-TTg ngày 16/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sẽ được thay thế bằng Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng từ ngày 01/09/2016); Thông tư số 14/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; Thông tư số 53/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương về việc quy định chi tiết việc đăng ký danh mục hàng nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam; và Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam là những văn bản pháp luật có liên quan nhiều nhất tới hoạt động của các nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam. Tùy vào tính chất kinh doanh, các hoạt động của nhà thầu sẽ tuân theo quy định cụ thể của ngành, bao gồm quy định về chuyển giao công nghệ, xây dựng, v.v.

Dưới đây là một số quy định về nhà thầu và nhà thầu phụ xây dựng nước ngoài.

Yêu cầu

Để trở thành một nhà thầu hoặc nhà thầu phụ xây dựng tại Việt Nam, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

(i)    Phải công bố thông tin trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng theo phân cấp;
(ii)    Đã trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư và có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng trong trường hợp các gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng theo quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam; và
(iii)    Phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.

Đề nghị Cấp phép

Để xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép tới cơ quan cấp phép (Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ XD hoặc Sở Xây dựng nơi có dự án).

Mỗi bộ hồ sơ đối với nhà thầu nước ngoài là tổ chức bao gồm các tài liệu sau:

(i)    Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bằng tiếng Việt theo mẫu;
(ii)    Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp;
(iii)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự) hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;
(iv)    Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động xây dựng liên quan đến công việc nhận thầu theo mẫu và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong 3 năm gần nhất (đối với trường hợp nhà thầu là tổ chức nhận thực hiện gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc phải áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam); và
(v)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam (có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu), trong đó xác định rõ phần việc mà nhà thầu Việt Nam thực hiện; hoặc hợp đồng với thầu phụ Việt Nam kèm theo văn bản chấp thuận của chủ đầu tư và bản sao Giấy đăng ký kinh doanh của nhà thầu phụ Việt Nam trường hợp khi dự thầu hoặc chọn thầu chưa xác định được thầu phụ;
(vi)    Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu theo mẫu; và
(vii)    Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nếu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại các khoản (iii) và (iv).

Mỗi bộ hồ sơ đối với nhà thầu nước ngoài là cá nhân bao gồm các tài liệu sau:

(i)       Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bằng tiếng Việt theo mẫu;
(ii)    Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp;
(iii)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự) hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) Giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp; và bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hộ chiếu; và
(iv)    Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nếu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại khoản (iii).

Phụ thuộc vào tính chất và quy mô dự án đấu thầu, Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ XD hoặc Sở XD tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cấp giấy phép hoạt động xây dựng trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ.

Nhà thầu có trách nhiệm nộp lệ phí 2.000.000 đồng Việt Nam khi nhận giấy phép.

Các Hoạt động Được phép Thực hiện

Sau khi được cấp giấy phép, nhà thầu xây dựng nước ngoài có các nghĩa vụ sau:

(i)    Lập Văn phòng điều hành (hợp đồng thuê văn phòng hoặc lập văn phòng điều hành tại nơi có dự án, nơi đăng ký trụ sở của chủ dự án hoặc một địa phương có công trình đi qua, tùy thuộc hợp đồng giao nhận thầu) và đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, thư điện tử, dấu, tài khoản và mã số thuế của Văn phòng điều hành công trình và người đại diện thực hiện hợp đồng tại cơ quan có liên quan theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án nhận thầu. Đối với nhà thầu thực hiện các gói thầu lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình có thể đăng ký các nội dung nêu trên tại địa phương khác không phải là nơi có dự án nhận thầu.

Sau khi thực hiện xong việc đăng ký các nội dung của Văn phòng điều hành, nhà thầu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo mẫu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện các thông tin đó tới Sở Xây dựng nơi lập Văn phòng điều hành, Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan;

(ii)    Đăng ký sử dụng con dấu của Văn phòng điều hành công trình tại Công an tỉnh, thành phố nơi có công trình xây dựng. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong các công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép thầu. Khi kết thúc hợp đồng, nhà thầu nước ngoài phải nộp con dấu cho cơ quan đã cấp dấu đó;

(iii)    Đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;

(iv)    Thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động;

(v)    Làm các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn của Bộ Công Thương, bao gồm:
•    Đăng ký tạm nhập tái xuất vật tư, máy móc, thiết bị thi công xây dựng;
•   Đăng ký danh mục nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, các thiết bị toàn bộ và đồng bộ cho công trình thuộc hợp đồng nhận thầu.

(vi)    Thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng;

(vii)    Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu bao gồm: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm tài sản hàng hóa đối với nhà thầu mua sắm; các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;

(viii)    Đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu;

(ix)    Đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

(x)    Tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan;

(xi)    Gửi báo cáo định kỳ theo mẫu về tình hình thực hiện hợp đồng (vào ngày 20 tháng 12 hàng năm) tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng và Sở Xây dựng nơi có dự án; và

(xii)    Khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình; chịu trách nhiệm bảo hành; quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu; xử lý vật tư, thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công xây dựng công trình theo quy định về xuất nhập khẩu; tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng ký theo chế độ tạm nhập – tái xuất; thanh lý hợp đồng. Đồng thời thông báo tới các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của Văn phòng điều hành công trình.

Thuế

Thuế áp dụng với các nhà thầu nước ngoài và nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam được mô tả chi tiết trong Phần 16 dưới đây.




Gia Công Cho Nước Ngoài

Các bên nước ngoài có thể thuê các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, gia công các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, hợp đồng gia công chỉ được ký sau khi được Bộ Công Thương cấp phép. Hợp đồng giao công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương và phải tối thiểu bao gồm những điều khoản theo quy định.

Văn bản Pháp luật

Hoạt động gia công hàng hóa cho các bên nước ngoài được quy định bởi Luật Thương mại ban hành ngày 14/06/2005; Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, được sửa đổi và bổ sung bằng Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ); và Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nội dung Hợp đồng

Hợp đồng gia công có nội dung tương tự như một hợp đồng kinh tế, bao gồm: Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp; Tên, số lượng sản phẩm gia công; Địa điểm và thời gian giao hàng; Giá gia công; Thời hạn và phương thức thanh toán; Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công; Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có); Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công; Nhãn hiệu và tên gọi xuất xứ hàng hóa; và thời hạn hiệu lực hợp đồng. Nhãn hiệu và xuất xứ hàng hóa liên quan đến hoạt động gia công thường thuộc trách nhiệm của bên đặt gia công nước ngoài.

Trong thực tế, cần đưa danh mục số lượng và trị giá nguyên liệu đầu vào, phụ liệu, vật tư cho hoạt động gia công vào hợp đồng, kèm theo định mức tiêu hao nguyên liệu và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công; và danh mục trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công. Các thỏa thuận về thiết bị liên quan cũng được đưa vào hợp đồng vì trong hầu hết các trường hợp, thiết bị thường được bên đặt gia công nước ngoài cho bên nhận gia công trong nước thuê. Cả nguyên liệu và thiết bị có thể được nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất.

Các Hoạt động Được phép Thực hiện

Các bên đặt gia công nước ngoài được quyền nhận và chuyển sản phẩm hoàn thiện, nguyên liệu và thiết bị cho thuê chưa sử dụng hết ra nước ngoài. Để giám sát các hoạt động gia công trong nước và hướng dẫn về các vấn đề kỹ thuật, bên đặt gia công nước ngoài có thể cử chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.

Thuế

Về nguyên tắc, nguyên liệu và thiết bị phục vụ cho các hoạt động gia công trong nước được miễn thuế theo quy định hiện hành của Việt Nam.




Hoạt Động Đại Lý

Các bên nước ngoài có thể giao cho các đối tác trong nước làm đại lý tại Việt Nam để thực hiện việc mua bán các loại hàng hóa thuộc diện được phép kinh doanh tại Việt Nam, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, hợp đồng đại lý chỉ được ký sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Theo Luật Thương mại, các hoạt động đại lý có thể được thực hiện dưới các hình thức sau: đại lý hoa hồng, đại lý bao tiêu, đại lý độc quyền và tổng đại lý.

Văn bản Pháp luật

Cơ sở pháp lý áp dụng đối với hoạt động giao đại lý được áp dụng tương tự với cơ sở pháp lý áp dụng cho việc đặt gia công của các bên nước ngoài tại Việt Nam.

Nội dung Hợp đồng

Nội dung yêu cầu phải có trong hợp đồng đại lý mua bán là khá đơn giản so với các loại hình hợp đồng thương mại và kinh tế khác. Hợp đồng chỉ bắt buộc phải có các nội dung sau: Mô tả về bên giao đại lý và bên đại lý; Hàng hóa giao đại lý: tên, quy cách, phẩm chất, số lượng, khối lượng; Thời hạn, phương thức và địa điểm giao hàng; Giá cả; Tỷ lệ hoa hồng và các chi phí; Phương thức và thời điểm thanh toán; Chế độ thưởng, phạt và bồi thường thiệt hại; và Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

Các Hoạt động được phép thực hiện

Bên giao đại lý nước ngoài có toàn quyền quyết định giá mua và giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng; giá giao đại lý; yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm, nhận tiền đặt cọc hoặc giấy tờ về tài sản bảo đảm từ bên đại lý, yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý đã ký kết. Để kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng, bên giao đại lý nước ngoài có thể cử nhân viên đến cơ sở của bên đại lý tại Việt Nam.

Trong thực tế, thay mặt bên giao đại lý nước ngoài, các đại lý trong nước thường thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, khai thuế và và thanh toán các khoản thuế liên quan.

Thuế

Các hàng hóa trong hợp đồng có thể phải chịu thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam.




Mua Cổ Phần Trong Công Ty Việt Nam

Về lý thuyết, nhà đầu tư nước ngoài dù là cá nhân hay tổ chức đều có thể nắm giữ hoặc mua tới 100% cổ phần tại tất cả loại hình công ty trong nước, trừ một số trường hợp đặc biệt như đầu tư vào các ngành cụ thể (như ngân hàng) hoặc vào các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài (lên tới 49%) hoặc do điều lệ của công ty đại chúng, công ty niêm yết có quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và đã báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Quy định pháp luật Việt Nam hiện hành công nhận và đối xử đối với các công ty có vốn đầu tư của nước ngoài (có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông) ở mức dưới 51% vốn điều lệ tương tự như đối với các công ty Việt Nam được thành lập trong nước.

Văn bản Pháp luật

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư ban hành ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 tạo lập cơ sở pháp lý cho bên nước ngoài mua phần vốn góp/cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam. Quyền này được quy định cụ thể hơn trong một số văn bản dưới luật, bao gồm Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2015, hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; Thông tư số 131/2010/TT-BTC ngày 6/9/2010 hướng dẫn thực hiện quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam (“Thông tư 131”); Thông tư số 19/2014/TT-NHNN ngày 11/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (“Thông tư 19”); v.v. Bao trùm toàn bộ các ngành dịch vụ và bổ sung cho các quy định pháp lý nêu trên của Việt Nam là cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, cụ thể được phản ánh trong Biểu cam kết dịch vụ, có hiệu lực từ ngày 11/01/2007.

Yêu cầu

Nhìn chung, hiện nay, tất cả các loại hình công ty tại Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần (CTCP), công ty TNHH, công ty hợp danh đều có quyền bán phần vốn góp/ cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Về lý thuyết, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tới 100% số vốn điều lệ của công ty, tuy nhiên, tùy từng thời điểm và nhất là trong một số ngành nghề cụ thể, việc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải chịu sự điều chỉnh của một số hạn chế trần dưới 100%, ví dụ trong ngành ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 30%, hoặc đối với các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa không quá 49% vốn điều lệ.

Theo các quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua phần vốn góp/ cổ phần và trực tiếp hoặc gián tiếp chuyển phần lợi nhuận được chia/ cổ tức và tiền gốc ra nước ngoài thông qua ngân hàng trong nước và nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Để hỗ trợ cho các giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài được quyền mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại các ngân hàng tại Việt Nam, trừ trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì doanh nghiệp này phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam, tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Quy định pháp luật xác nhận rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư mua phần vốn góp/ cổ phần trong các công ty Việt Nam được bảo vệ bởi luật pháp và Chính phủ Việt Nam.

Các hoạt động được phép thực hiện

Với tư cách là người nắm giữ phần vốn góp/ cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài có thể:

(i) Tham gia hoặc không tham gia vào công tác quản lý, điều hành công ty;
(ii)  Chuyển đổi các khoản cổ tức và các khoản tiền nhận được từ đồng nội tệ sang đồng ngoại tệ trước khi chuyển ra nước ngoài;
(iii) Cầm cố hoặc thế chấp bằng cổ phần nắm giữ cho các giao dịch tín dụng;
(iv) Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết với công ty trong nước, sau khi đã nộp thuế TNDN;
(v) Được cấp thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần, loại ĐT có thời hạn không quá 5 năm, chứng nhận tạm trú và thẻ tạm trú để ra vào và cư trú ở Việt Nam; và
(vi) Được hưởng các quyền và lợi ích như đối với các nhà đầu tư trong nước.

Thủ tục mua Phần vốn góp/ Cổ phần

Thủ tục mua phần vốn góp/ cổ phần đơn giản hơn so với quy định trước đây khá nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài mua hoặc bán phần vốn góp/ cổ phần trong công ty Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Quy định hiện nay cho phép chủ sở hữu hoặc ban lãnh đạo của công ty hoặc tổng công ty Việt Nam quyền tự quyết định vấn đề này, theo quy định tại điều lệ hay quy chế của công ty. Đối với các DNNN cổ phần hóa có nhu cầu bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan Nhà nước quyết định cổ phần hóa sẽ là đơn vị quyết định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn vào, mua phần vốn góp/cổ phần trong công ty Việt Nam khi:

•    Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào, mua phần vốn góp/cổ phần trong công ty Việt Nam hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
•    Việc góp vốn, mua phần vốn góp/cổ phần dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiểm soát nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký góp vốn, mua phần vốn góp/cổ phần tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty Việt Nam đặt trụ sở chính. Trường hợp việc góp vốn, mua phần vốn góp/cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thay đổi thành viên/cổ đông theo quy định của pháp luật.

Nếu không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của LDN khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty Việt Nam.

Thuế

Nếu nhà đầu tư nước ngoài đã thanh toán hết các loại thuế và nghĩa vụ tài chính liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ không phải nộp thuế khấu trừ tại nguồn (withholding tax) cho việc chuyển ra nước ngoài các khoản thu nhập hợp pháp. Đối với các loại thuế khác, xin xem Phần 16 dưới đây.