Đăng Ký Sản Phẩm

Tốp 3: “Vision & Associates là một công ty rất năng động, với những bước phát triển rất ấn tượng, thông qua số lượng ngày càng nhiều các khách hàng là các công ty Việt Nam và nước ngoài có tên tuổi […].”

Asia Pacific Legal 500 2004/2005

 

Chúng tôi nắm bắt được sự quan tâm ngày càng tăng của xã hội Việt Nam đối với y tế và sức khỏe, và đồng hành với từng bước phát triền của đất nước trong việc nâng cao điều kiện sống cho người dân, quan tâm thích đáng vào những vấn đề ít được quan tâm trước đó như vấn đề ô nhiễm, bảo vệ và vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, cũng như tăng trưởng của việc sử dụng thuốc trong cả khu vực công cộng và khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cũng như mọi nơi khác trên thế giới, nhu cầu về làm đẹp của người dân Việt Nam luôn luôn tồn tại và ngày càng rõ nét. Trong lúc đó, ngành công nghiệp mỹ phẩm trong nước mới ở giai đoạn đang phát triển và chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân. Điều này biến Việt Nam trở thành một thị trường với tiềm năng rất lớn dưới con mắt của những nhà sản xuất thuốc và mỹ phẩm trong khu vực và trên thế giới. Do đó, từ yêu cầu của khách hàng, trong những năm gần đây, Công ty đã thiết lập một đội ngũ chuyên gia chuyên cung cấp dịch vụ liên quan tới việc Đăng ký và Công bố chất lượng sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm hóa học và thực phẩm. 

Đội ngũ 
Đội ngũ nhân sự chuyên về Đăng ký sản phẩm của Công ty bao gồm những luật gia, dược sỹ và những người có chuyên môn về hóa học có nhiều kinh nghiệm và có khả năng sử dụng kỹ năng chuyên môn của mình để mang lại lợi ích cho khách hàng.

Dịch vụ 
Trên thực tế, dịch vụ của chúng tôi giải quyết tất cả các vấn đề mà khách hàng trong lĩnh vực này có thể cần, từ tư vấn pháp lý đến thực tế, thực hiện thủ tục cho việc nhập khẩu, đăng ký chất lượng, công bố và quảng cáo, xin giấy phép có liên quan, cho tới việc soạn thảo và xem xét hồ sơ và những tài liệu cần thiết khác. Chất lượng công việc của chúng tôi được khẳng định bởi việc hiện diện của ngày càng nhiều các tên tuổi lớn trong những lĩnh vực này trong danh sách khách hàng.

Khách hàng 
Khách hàng của chúng tôi bao gồm nhiều tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực này.

Vision & Associates




Thuế

Nên chọn Vision & Associates cho dịch vụ này:“[…].”

Asialaw Profiles 2016/2017

Tốp 3: “Vision & Associates vừa tư vấn cho một khách hàng về các hậu quả liên quan đến thuế khi chuyển nhượng cổ phần trong công ty con và hỗ trợ khách hàng khác về thuế nhập khẩu tại Việt Nam.” “Các luật sư Đặng Trọng Hiếu và Lê Tuấn Anh là những đầu mối liên lạc chính trong lĩnh vực này.”

Asia Pacific Legal 500 2016/2017

Tốp 3: “Trong lĩnh vực thuế, Công ty có 7 Luật Sư Thành Viên và gần 20 nhà tư vấn chuyên nghiệp có kinh nghiệm toàn diện về thương mại và các vấn đề thuế. Nhóm tư vấn cung cấp tất cả các dịch vụ thuế bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân. Nhóm tư vấn cũng có quan hệ tốt với các cơ quan thuế. […]”

“Luật sư Lê Quỳnh Anh đứng đầu công ty luật của Vision & Associates phụ trách cả lĩnh vực thuế.”

World Tax Review 2016/2017

 

Với tư duy kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, V&A Legal có thể giúp khách hàng hiểu được quy định của pháp luật một cách đơn giản và rõ ràng nhất, để đảm bảo rằng khách hàng sẽ đạt được những ưu đãi tốt nhất về thuế mà họ có thể được hưởng theo quy định của pháp luật.

Đội ngũ 
Đội ngũ luật sư của chúng tôi trong lĩnh vực thuế bao gồm những luật sư có khả năng kết hợp kinh nghiệm thương mại với kiến thức toàn diện về pháp luật thuế. Bên cạnh trình độ chuyên môn về pháp lý, các luật sư của chúng tôi đồng thời cũng là các chuyên gia về kinh tế, và luôn duy trì mối quan hệ gần gũi tốt đẹp với các cơ quan thuế của Việt Nam. Thông qua những thực tế này, đội ngũ luật sư của chúng tôi được biết đến như một trong những lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực Thuế tại Việt Nam.

Dịch vụ 
Đội ngũ luật sư của chúng tôi đã tham gia rất sâu vào những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực Thuế. Chúng tôi đã thành công trong rất nhiều trường hợp và đạt được những ưu đãi tốt về thuế cho những dự án đầu tư mới vào Việt Nam của khách hàng, và thành công trong việc đạt được giải thích rõ ưu đãi về thuế (ví dụ ưu đãi về thuế suất, miễn và giảm thuế) hoặc xác nhận từ cơ quan thuế của chính phủ. Trong lĩnh vực này, dịch vụ của chúng tôi gồm:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Thuế chuyển nhượng vốn;
  • Thuế giá trị gia tăng;
  • Thuế nhà thầu nước ngoài;
  • Thuế xuất khẩu – nhập khẩu; và
  • Thuế thu nhập cá nhân.

Khách hàng 
Khách hàng của chúng tôi trong lĩnh vực này bao gồm Công ty Obayashi Việt Nam, Công ty Cổ phần Bê thông Ready-mix Concrete (Việt Nam), Chevron Việt Nam, BP Petco Việt Nam, EGS Hong Kong, ISC Hong Kong…

Vision & Associates




Tổng Quan

1. TỔNG QUAN

1.1 Lịch sử

Mặc dù mới ra đời hơn hai thập kỷ nhưng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những ngành luật phát triển nhanh nhất tại Việt Nam và pháp luật về Sở hữu Trí tuệ vẫn đang được tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện. Vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp ở Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1981 cùng với việc ban hành Pháp lệnh về Sáng kiến và Cải tiến Kỹ thuật năm 1981 trong đó chú trọng vào việc bảo hộ quyền nhân thân của người sáng tạo/cải tiến hơn là vấn đề quyền sở hữu. Trong giai đoạn từ năm 1981 tới năm 1989, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ đơn thuần mang tính hành chính mặc dù một số lượng đáng kể các văn bản pháp luật về Nhãn hiệu hàng hoá (1982), Giải pháp hữu ích (1988), Kiểu dáng công nghiệp (1988), Chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp (cấp li-xăng) (1988) và quyền tác giả (1986) đã được ban hành.

Việc ban hành Pháp lệnh về Bảo hộ Quyền Sở hữu Công nghiệp ngày 28 tháng 01 năm 1989 (“Pháp lệnh 1989”) đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hoạt động bảo hộ sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Pháp lệnh 1989 đã đưa ra các căn cứ bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá với những thay đổi mang tính toàn diện, đặc biệt là sự thừa nhận quyền độc quyền sáng chế. Tiếp theo Pháp lệnh 1989, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 84-HĐBT sửa đổi,bổ sung một số điều liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp cụ thể đã được quy định trước đó vào năm 1990. Pháp lệnh về Quyền tác giả năm 1994 cũng quy định mức độ bảo hộ cao hơn đối với quyền tác giả.

Sự phát triển đáng chú ý trong hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của Bộ luật Dân sự, được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 10 năm 1995 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07 năm 1996, luật hoá toàn bộ các văn bản pháp luật về các vấn đề dân sự đã tồn tại trước đó, đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý cho vấn đề quyền sở hữu và quyền dân sự. Bộ luật Dân sự 1995 ra đời đã thay thế toàn bộ các quy định trước đó về Sở hữu Trí tuệ, bao gồm Pháp lệnh 1989 về bảo hộ quyền Sở hữu Công nghiệp và Pháp lệnh về quyền Tác giả năm 1994. Bộ luật Dân sự quy định đầy đủ các quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá và một số đối tượng đặc biệt khác theo quy định của pháp luật) và quyền tác giả. Để hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, Chính phủ sau đó đã ban hành hàng loạt các văn bản dưới luật tương ứng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và quyền tác giả. Những thay đổi quan trọng trong Bộ luật Dân sự 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành được đưa ra nhằm phù hợp với nội dung của Hiệp định TRIPS và các Công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Bộ luật Dân sự 2005 được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005 đã thay thế Bộ luật Dân sự năm 1995 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Nguợc lại với 26 điều mục về quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong BLDS 1995, BLDS 2005 chỉ bao gồm 4 điều mục về bảo hộ sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Tuy nhiên, phạm vi các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được mở rộng tới cả thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật thương mại, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Liên quan đến vấn đề quyền tác giả, ngoài việc giảm số lượng các điều khoản quy định về quyền tác giả từ con số 25 xuống còn 14 điều, lần đầu tiên trong quá trình phát triển luật Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam, khái niệm “quyền liên quan” đã được sử dụng để thay thế cho thuật ngữ “quyền và nghĩa vụ của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình và tổ chức phát sóng”. Quyền liên quan này sẽ bao gồm quyền của các tổ chứuc và cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, và các tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá.

Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi tiến tới sự ra đời của Luật Sở hữu Trí tuệ số 50/2005 mới, các quy định về SHTT ở Việt Nam được điều chỉnh rải rác tại hơn 40 văn bản pháp luật khác nhau đã tạo ra sự chồng chéo giữa các văn bản này và không phù hợp với điều khoản của Hiệp định TRIPS-WTO. Như một phần trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã pháp điển hoá hàng loạt các quy định và điều khoản xung đột trong lĩnh vực SHTT thành một văn bản có hiệu lực pháp lý chung là Luật Sở hữu Trí tuệ 50/2005, có hiệu lực ngày 01/07/2006. Luật SHTT 50/2005 đã được chủ sở hữu quyền SHTT cũng như các tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SHTT thừa nhận rằng như một bước tiến to lớn trong việc bảo hộ toàn diện các đối tượng SHTT và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPs. Sau đó, hàng loạt các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT 50/2005 cũng đã được ban hành.

1.2 Công ước và Điều ước Quốc tế

Việt Nam đã là thành viên của Công ước Paris về Bảo hộ quyền Sở hữu Công nghiệp và Thoả ước Mađri liên quan đến Đăng ký Quốc tế Nhãn hiệu hàng hoá từ năm 1949. Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp ước Thành lập WIPO từ năm 1976 và gia nhập Hiệp ước Hợp tác Pa-tăng (PCT) năm 1993. Việt Nam không gia nhập Thoả ước NICE, Thoả ước Strasbourg và Thoả ước Locanô, nhưng đã thông qua việc sử dụng Phân loại quốc tế về Hàng hoá và Dịch vụ và Phân loại Quốc tế về Sáng chế (IPC) và Phân loại quốc tế về Kiểu dáng Công nghiệp theo những Thoả ước này. Việt Nam cũng đã chính thức trở thành thành viên của Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm Văn học và Mỹ thuật từ 26/10/2004.

Những bước phát triển tiếp theo trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bao gồm việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Geneve về Bảo hộ Nhà sản xuất Bản ghi âm Chống lại việc Sao chép Không được phép Bản ghi âm của họ vào ngày 06/07/2005, gia nhập các tổ chức quản lý tập thể quốc tế về tác phẩm âm nhạc (Việt Nam là thành viên của CISAC – Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả, Nhạc sĩ và BIEM – Tổ chức Quốc tế đại diện cho các Nhà sản xuất Âm nhạc vào tháng 11/2005). Việt Nam cũng đã phe chuẩn Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối các tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá và Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/01/2006. Nghị định thư Madrid cũng đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 11/07/2006.

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định khung ASEAN về Hợp tác Sở hữu Trí tuệ năm 1996, trong đó sự phù hợp với các quy định của Hiệp định TRIPS là cơ sở cho sự hợp tác của các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định song phương về bảo hộ quyền tác giả vào tháng 06 năm 1997, và sau đó có hiệu lực vào năm 1998, trong đó quy định mỗi nước phải bảo hộ đối với các tác phẩm của nước kia. Việt Nam và Thuỵ Sỹ cũng đã ký kết Hiệp định song phương về Bảo hộ Sở hữu Trí tuệ vào tháng 7/1999.

Hiệp định Thương mại song phương (BTA) mang tính bước ngoặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các vấn đề thương mại đã được ký kết vào ngày 13/07/2000 tại Washington, DC. Theo hiệp định thương mại này, Việt Nam đã đưa ra cam kết đối với hầu hết cấc nghĩa vụ được quy định trong Hiệp định WTO-TRIPS. Sự kiện quan trọng nhất trong tiến trình bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ là việc Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 11/01/2007. Thành công này là bước phát triển tiêp theo của một hiệu định chính thức giữa ViệtNam và Hoa Kỳ về các điều khoản và điều kiện để Việt Nam gia nhập WTO, được ký kết vào ngày 31/05/2006, và việc Quốc hội Hoa kỳ thông qua Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam vào ngày 21/12/2006. Thành quả của các hiệp ước này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, sức khoẻ, giáo dục và các vấn đề phúc lợi xã hội này, cũng như sự phát triển trong lĩnh vực khoa học và văn hoá, bao gồm cả hợp tác về tất cả các lĩnh vực trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ giữa hai bên trong tương lai.

1.3 Các quy định hiện hành về Sở hữu Trí tuệ

Các văn bản dưới đây hình thành một hệ thống pháp luật khá đầy đủ về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam:
(i) Bộ luật Dân sự 2005 được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2005và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 06 năm 2006 (Phần 6, “Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao công nghệ”, Phần VII “Quan hệ Dân sự có yếu tố nước ngoài”, cụ thể là Điều 774 “Quyền tác giả có yếu tố nước ngoài”, và Điều 775 “Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng có yếu tố nước ngoài”;
(ii) Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2004 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2005 quy định về trình tự và thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và thực thi các phán quyết dân sự.
(iii) Bộ luật Tố tụng Hình sự 1999 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 12/1999 (Điều 131 về Quyền tác giả, Điều 156, 157, 189 về hàng giả, Điều 170, 171 về sở hữu công nghiệp)
(iv) Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 11/2003 và có hiệu lực ngày 01/07/2004 quy định về trình tự và thủ tục thụ lý vụ án, điều tra, truy tố, xét xử và thực thi các phán quyết hình sự.
(v) Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2005 và có hiệu lực vào ngày 01/07/2006 (6 Chương, 222 Điều).
(vi) Luật Cạnh tranh năm 2004 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 12/2004 và có hiệu lực từ 01/07/2005 (6 Chương, 124 Điều).
(vii) Luật Hải quan năm 2001 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 6/2001 và có hiệu lực từ 01/01/2002 và được sử đổi vào tháng 06/2005.
(viii) Luật Công nghệ Thông tin số 67/2006 được Quốc hội thông qua ngyaf 29/07/2006 và có hiệu lực ngày 01/01/2007.
(ix) Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua ngày 29/06/2006 và có hiệu lực ngày 01/01/2007.
(x) Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được thông qua vào tháng 7/2002 và có hiệu lực từ 01/10/2002.
(xi) Luật Khiếu nại Tố cáo số 9/1998/QH10 của Quốc hội, thông qua vào tháng 12/1998, được sửa đổi và bổ sung theo Luật khiếu nại Tố cáo số 26/2004/QH11 tháng 6/2004 và Luật Khiếu nại Tố cáo số 58/2005/QH11 tháng 11/2005.
(xii) Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.
(xiii) Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan.
(xiv) Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến sở hữu công nghiệp.
(xv) Nghị định số 104/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến quyền đối với giống cây trồng.
(xvi) Nghị định số 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
(xvii) Nghị định 106/2006/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành tháng 9 năm 2006 và có hiệu lực vào tháng 11 năm 2006, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
(xviii) Nghị định 47/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 13 tháng 05 năm 2006 và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2009, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan.
(ixx) Nghị định 101/2001/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành tháng 12 năm 2001, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hải Quan.
(xx) Nghị định 89/2006/ND-CP của Chính phủ, được thông qua ngày 30/06/2006 quy định về quy chế ghi nhãn hàng hóa.
(xxi) Thông tư 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NDD-CP ngày 22/09/2006, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 09/05/2007.
(xxii) Thông tư số 132/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, được thông qua vào tháng 12/2004 và có hiệu lực vào ngày 31/01/2005, hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
(xxiii) Thông tư liên tịch số 129/2004/TTLT-BVHTT-BTC của Bộ Khoa học và Công nghệ, được thông qua tháng 12/2004 quy định hướng dẫn về thiện hiện các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu hải quan.
(xxiv) Thông tư liên tịch số 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC của Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Tài chính, được thông qua tháng 10/2003 quy định hướng dẫn về bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động xuất nhập khẩu hải quan.




Tổng Quan

Địa lý

Lãnh thổ Việt Nam bao gồm phần diện tích đất liền là 330.000 km2, một khu vực biển rộng với một thềm lục địa rộng lớn, và một chuỗi quần đảo kéo dài từ Vịnh Bắc Bộ đến Vịnh Thái Lan.

Trên bản đồ, lãnh thổ Việt Nam có hình chữ S kéo dài. Lãnh thổ Việt Nam có chiều dài xấp xỉ 1.750 km, kéo dài từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam, và chiều rộng từ 50 km đến 600 km. Tổng chiều dài đường biên giới nội địa là 4.230 km, bao gồm 1.650 km biên giới chung với CHND Trung Hoa ở phía Bắc, 1.650 km chung với CHDCND Lào ở phía Tây, và 930 km chung với Vương quốc Campuchia ở phía Tây và Tây Nam.

Diện tích biển của Việt Nam nằm ở phía Đông, phía Nam và biên giới phía Tây Nam với vùng lãnh hải Campuchia, Inđônêxia, Malaixia, Philipin và Thái Lan. Việt Nam sở hữu một thềm lục địa rộng lớn, rất nhiều đảo và quần đảo ven biển và ngoài khơi. Các đảo và quần đảo chính là đảo Phú Quốc (cách bờ biển Hà Tiên 70 km), quần đảo Hoàng Sa (Paracel) (cách bờ biển Đà Nẵng 300 km), quần đảo Trường Sa (Spratly) (cách bờ biển Cam Ranh 500 km) và quần đảo Thổ Chu (cách bờ biển Rạch Giá 200 km).

Việt Nam có địa hình khá đa dạng, có cả đồng bằng, cao nguyên và vùng núi. Các vùng núi và rừng với hơn 7.000 loài thực vật chiếm 3/4 diện tích Việt Nam và có thể được chia thành 4 vùng chính: vùng núi phía Đông Bắc hay Việt Bắc, khu vực Tây Bắc; khu vực Bắc Trường Sơn và Cao nguyên Trung bộ. Các vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ nhất là Đồng bằng sông Mêkông ở phía Nam và Đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc.

Thủ đô Việt Nam là Hà Nội, nằm ở phía Bắc của đất nước. Các thành phố chính bao gồm thành phố Hồ Chí Minh (“TPHCM”) ở phía Nam, Hải Phòng ở bờ biển Đông Bắc, Đà Nẵng, Huế và Nha Trang trên bờ biển phía Đông.

Khí hậu

Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa. Đặc điểm đặc trưng của khu vực này là nóng ẩm và mưa nhiều theo mùa.

Ở phía Bắc, thay đổi khí hậu diễn ra trong cả 4 mùa: mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 4), với đặc trưng là các cơn mưa phùn và ẩm; mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 7) là mùa nóng và mưa, mùa thu (từ tháng 8 đến tháng 10) và mùa đông (từ tháng 10 đến đầu tháng 1 năm sau), mùa có nhiệt độ thấp nhất trong năm.

Ở khu vực miền Trung và miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào phía Nam), khí hậu nóng quanh năm và có hai mùa: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), và mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4).

Dân số và nhân khẩu học

Tổng dân số Việt Nam hiện nay là khoảng 91,7 triệu người (không bao gồm 4 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài). Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới, thứ 8 ở khu vực châu Á và thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về quy mô dân số. Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Việt (Kinh) chiếm 86,2% dân số, sống ở khu vực đồng bằng và ven biển.

Dân cư phân bố không đồng đều, dân cư nông thôn chiếm khoảng 69,4% tổng số dân. Dân số phân bố không đồng đều ngay cả trong một vùng, ví dụ Đồng bằng sông Hồng và sông Mêkông chiếm 17% tổng diện tích, nhưng chiếm đến 41% tổng số dân cả nước, trong khi khu vực cao nguyên Trung bộ và vùng núi phía Bắc chiếm trên 48% diện tích, nhưng chỉ có 21% số dân sinh sống. Đối với khu vực thành thị, Hà Nội và TPHCM là hai thành phố đông dân nhất, với dân số lần lượt là khoảng 7,1 và 8 triệu người.

Tỷ lệ gia tăng dân số trung bình hiện nay vào khoảng 1,08%/năm, vào loại cao nhất khu vực. Tỷ lệ gia tăng dân số cũng khác nhau giữa các vùng trong nước. Thông thường, khu vực miền núi và nông thôn có tỷ lệ gia tăng dân số cao hơn nhiều so với khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và các các thành phố lớn khác.

Ngoài ra, việc di dân từ khu vực nông thôn tới khu vực thành thị và/hoặc các thành phố lớn đang tăng đáng kể trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Lý do chủ yếu là ngành nông nghiệp đã được cơ khí hóa dẫn đến giảm bớt nhu cầu lao động trong khi đó nhu cầu lao động lại đang tăng cao ở khu vực thành thị và trong các khu công nghiệp.

Ngôn ngữ

Mặc dù dân số Việt Nam bao gồm nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có nền văn hóa và ngôn ngữ riêng, song tiếng Việt (ngôn ngữ của người Việt) được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia để giao tiếp giữa tất cả các dân tộc tại Việt Nam. Mặc dù ngôn ngữ viết được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, trên thực tế có một số khác biệt trong cách nói tiếng Việt giữa người miền Bắc và miền Nam.

Trong số các ngôn ngữ nước ngoài tại Việt Nam, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng nhất trong giao tiếp tại Việt Nam, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn được sử dụng ở đây. Mặc dù vậy, tiếng Pháp và tiếng Trung vẫn được sử dụng trong một bộ phận dân cư tại Việt Nam, chủ yếu vì lý do lịch sử. Nhờ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây, bao gồm Liên bang Xô Viết, CHDC Đức, v.v. một bộ phận người Việt Nam có thể nói và hiểu tiếng Nga, tiếng Đức. Vì được sử dụng phổ biến, tiếng Anh, tiếng Pháp được sử dụng để hỗ trợ cho tiếng Việt, trong một số tài liệu pháp lý liên quan đến ngoại thương và đầu tư trực tiếp nước ngoài.