Chấn chỉnh doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm

Ngày 23/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2014/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (“Nghị định 52”). Nghị định mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2014 và thay thế Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005, được sửa đổi và bổ sung bằng Nghị định số 71/2008/NĐ-CP ngày 05/6/2008 của Chính phủ (“Nghị định 19”).

Sau đây là nội dung một số thay đổi chính của Nghị định 52 so với Nghị định 19.

Hoạt động dịch vụ việc làm

Ngoài các hoạt động đã có theo Nghị định 19 bao gồm: Tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động; Giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động; Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề; Nghị định 52 bổ sung doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có thể “Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm”.

Điều kiện cấp phép

Về điều kiện bộ máy chuyên trách, Nghị định 52 đã giảm số lượng nhân viên cần có của bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm từ 05 nhân viên có trình độ cao đẳng theo Nghị định 19 xuống còn 03.

Về điều kiện ký quỹ, Nghị định mới cũng quy định rõ doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính, cho phép doanh nghiệp được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng, và được hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động của mình trong trường hợp có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép:
(a)    về việc doanh nghiệp không được cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép; hoặc
(b)    về việc doanh nghiệp nộp lại, bị thu hồi giấy phép; hoặc
(c)    xác nhận về việc giải quyết rủi ro hoặc các khoản đền bù xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp.

Giấy phép

Nghị định 52 đã tăng thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm từ 36 tháng lên 60 tháng.

Ngoài ra, Nghị định mới còn quy định cụ thể về (a) hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp khi giấy phép bị mất, bị hư hỏng hoặc thay đổi một trong các nội dung của giấy phép, cũng như (b) hồ sơ, trình tự và thủ tục gia hạn giấy phép, theo đó trong thời hạn 30 ngày trước ngày giấy phép hết hạn, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép và mỗi lần giấy phép sẽ được gia hạn không quá 60 tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định 52 bãi bỏ các quy định của Nghị định 19 về việc thu hồi/ tước quyền sử dụng giấy phép của doanh nghiệp dịch vụ việc làm trong các trường hợp:
(a)    Vi phạm ngành nghề kinh doanh ghi trong Giấy phép hoặc không đủ các điều kiện theo quy định;
(b)    Có những hành vi lừa đảo, gian lận đối với người lao động, doanh nghiệp, tổ chức khác do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định;
(c)    Không thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
(d)    Không chấp hành báo cáo theo quy định với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động địa phương liên tục từ 01 (một) năm dương lịch trở lên;
(e)    Bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật lao động 03 (ba lần trong năm hoặc có 01 (một) hành vi vi phạm bị xử phạt 03 lần;
đồng thời tăng thời hạn thu hồi/ tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng theo Nghị định cũ lên 12 tháng.

Nghĩa vụ thông báo, báo cáo

Ngoài các nghĩa vụ thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về giấy phép, địa điểm, lĩnh vực hoạt động, tài khoản, tên giám đốc, số điện thoại sau khi được cấp phép và thông báo bằng văn bản trước 15 ngày cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép về ngày bắt đầu hoạt động như quy định trong Nghị định 19, Nghị định 52 cũng bổ sung nghĩa vụ trường hợp chuyển địa điểm đặt trụ sở hoặc chi nhánh, người đứng đầu doanh nghiệp phải có văn bản gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép về địa điểm mới kèm giấy tờ chứng minh tính hợp lệ của địa điểm mới trong thời hạn 15 ngày trước ngày thực hiện việc chuyển địa điểm.

Giai đoạn chuyển tiếp

Nghị định 52 quy định doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hoạt động cho đến hết thời hạn của giấy phép được cấp, và doanh nghiệp đã nộp đủ hồ sơ cấp giấy phép theo đúng quy định tại Nghị định 19 trước ngày Nghị định mới có hiệu lực thì được cấp giấy phép.

Kết luận

Việc ban hành Nghị định mới đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp mong muốn tham gia hoạt động dịch vụ việc làm, nhằm hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường dịch vụ việc làm, góp phần tích cực giải quyết vấn đề việc làm cho lực lượng nhân lực đến tuổi lao động ngày càng lớn của Việt Nam./.




Thực tiễn về yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất tại Việt Nam

Theo cách hiểu trên toàn thế giới, yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất là một dạng yêu cầu bảo hộ sáng chế về sản phẩm trong đó sản phẩm được yêu cầu bảo hộ được xác định bằng quy trình tạo ra sản phẩm đó, và dạng yêu cầu bảo hộ này hiện được chấp nhận tại nhiều nước. Ở Việt Nam, yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất cũng được chấp nhận, tuy nhiên chỉ trong những trường hợp đặc biệt.

Theo quy định nêu trong Quy chế thẩm định Đơn đăng ký sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ (“Cục SHTT”) ban hành ngày 31/03/2010 (sau đây gọi là “Quy chế”), trong trường hợp sản phẩm không rõ cấu trúc tại thời điểm nộp đơn đăng ký sáng chế, chẳng hạn sản phẩm có cấu trúc rất phức tạp (ví dụ: polyme) hay sản phẩm là hỗn hợp của nhiều hợp chất khác nhau (ví dụ: phần chiết, phân đoạn), thì sản phẩm này có thể được xác định bằng quy trình thu nhận chúng (ví dụ: sản phẩm X thu được bằng quy trình Y), với điều kiện các dấu hiệu này là đủ để so sánh và phân biệt sản phẩm đang được yêu cầu bảo hộ với các sản phẩm đã biết (Điểm 5.7.2f). Trong thực tiễn thẩm định đơn đăng ký sáng chế tại Cục SHTT, khi thẩm định viên nhận thấy rằng sản phẩm mà được yêu cầu bảo hộ ở dạng bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất có thể được xác định bằng các dấu hiệu đặc trưng riêng của nó (ví dụ: cấu trúc, thành phần, hàm lượng của mỗi thành phần, hoặc tương tự), thì thẩm định viên sẽ không chấp nhận việc soạn thảo yêu cầu bảo hộ cho sản phẩm này ở dạng như vậy và yêu cầu chủ đơn phải thể hiện yêu cầu bảo hộ này bằng các dấu hiệu đặc trưng của chính sản phẩm được yêu cầu bảo hộ. Ví dụ, trong một Thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn do Cục SHTT đưa ra cho một đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, thẩm định viên đã nêu ý kiến từ chối một điểm yêu cầu bảo hộ cho một hỗn hợp được thể hiện ở dạng bao gồm các dấu hiệu của quy trình tạo ra hỗn hợp đó với lý do là hỗn hợp được yêu cầu bảo hộ trong điểm này có thể được xác định bằng thành phần và hàm lượng mỗi thành phần chứa trong hỗn hợp, do đó không thể được trình bày dưới dạng yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu  hiệu của quy trình sản xuất.

Liên quan đến việc thẩm định nội dung đối với dạng yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất, Quy chế của Cục SHTT quy định rằng khi đánh giá tính mới của dạng yêu cầu bảo hộ này, thẩm định viên phải xem xét xem các dấu hiệu của quy trình sản xuất được đề cập đến trong yêu cầu bảo hộ có đưa đến một kết cấu và/hoặc thành phần cụ thể nào đó của sản phẩm đang được yêu cầu bảo hộ không. Nếu người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể kết luận rằng quy trình đó nhất thiết đưa đến một sản phẩm có kết cấu và/hoặc thành phần khác so với kết cấu và/hoặc thành phần của sản phẩm nêu trong giải pháp đối chứng, thì yêu cầu bảo hộ sẽ có tính mới. Ngược lại, nếu sản phẩm nêu trong yêu cầu bảo hộ có kết cấu và/hoặc thành phần giống với sản phẩm nêu trong giải pháp đối chứng, thì vẫn bị coi là không có tính mới mặc dù được tạo ra bằng quy trình sản xuất khác, trừ khi chủ đơn có thể chứng minh được rằng quy trình đó tạo ra sản phẩm có kết cấu và/hoặc thành phần khác, hoặc có tính năng khác của sản phẩm mà qua đó thấy được sự thay đổi về kết cấu và/hoặc thành phần của sản phẩm (Điểm 22.2.2.5 (3)). Điều này có nghĩa là, trong quá trình đánh giá khả năng cấp bằng đối với dạng yêu cầu bảo hộ này tại Việt Nam, thẩm định viên sẽ chỉ xét nghiệm chính bản thân sản phẩm, trong đó xem xét đến kết cấu và/hoặc thành phần cụ thể của sản phẩm mà được đưa đến bởi quy trình sản xuất được nêu trong yêu cầu bảo hộ.

Quy chế của Cục SHTT cũng đưa ra một ví dụ cụ thể về sáng chế là một cốc thủy tinh được tạo ra bởi quy trình X, và giải pháp đối chứng đã bộc lộ quy trình Y để sản xuất cốc đó (Điểm 22.2.2.5 (3)). Ví dụ này nêu rằng nếu những chiếc cốc thủy tinh được tạo ra bởi cả hai quy trình đều có cùng kết cấu, hình dáng và vật liệu thì sáng chế sẽ không có tính mới. Ngược lại, nếu quy trình X bao gồm bước ủ ở một nhiệt độ xác định mà nhiệt độ đó không được bộc lộ trong giải pháp đối chứng, và với nhiệt độ ủ này, khả năng chống nứt vỡ của cốc thủy tinh theo sáng chế được tăng lên đáng kể so với cốc thủy tinh sản xuất được theo quy trình nêu trong giải pháp đối chứng, thì sáng chế có tính mới. Đó là vì cốc thủy tinh theo sáng chế có vi cấu trúc và cấu trúc bên trong khác biệt do quy trình sản xuất khác biệt so với chiếc cốc thủy tinh được sản xuất theo giải pháp đối chứng.

Liên quan đến việc đánh giá khả năng xâm phạm đối với một yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan không có bất kỳ quy định cụ thể nào liên quan tới phạm vi bảo hộ và/hoặc vấn đề thực thi đối với dạng yêu cầu bảo hộ này. Bên cạnh đó, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng chưa có án lệ, bản án hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào liên quan tới vấn đề này. Do đó, nếu có vụ việc xảy ra, việc đánh giá xâm phạm đối với dạng yêu cầu bảo hộ đặc thù này có thể sẽ được dựa trên Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 26/06/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Thông tư này quy định rằng một sản phẩm bị xem xét được coi là trùng hoặc tương đương với sản phẩm được bảo hộ theo một điểm yêu cầu bảo hộ nào đó nếu tất cả các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm yêu cầu bảo hộ đó đều có mặt trong sản phẩm bị xem xét dưới dạng trùng hoặc tương đương, và không bị coi là trùng hoặc tương đương nếu sản phẩm bị xem xét không chứa ít nhất một dấu hiệu kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm yêu cầu bảo hộ, trong đó hai dấu hiệu kỹ thuật sẽ được coi là a) “trùng” nếu có cùng bản chất, cùng mục đích sử dụng, cùng cách thức đạt được mục đích và cùng mối quan hệ với các dấu hiệu khác nêu trong yêu cầu bảo hộ và b) “tương đương” nếu có bản chất tương tự nhau hoặc có thể thay thế cho nhau, có mục đích sử dụng và cách thức để đạt được mục đích sử dụng cơ bản giống nhau (Điều 11). Do đó, có thể hiểu rằng đối với trường hợp của dạng yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất, sản phẩm bị xem xét có thể bị coi là xâm phạm yêu cầu bảo hộ được xác định bằng quy trình sản xuất này chỉ khi sản phẩm bị xem xét được tạo ra bởi một quy trình có bản chất giống hệt, tương tự hoặc có thể thay thế được, có mục đích sử dụng giống hệt hoặc tương tự, và có cách thức để đạt được mục đích sử dụng giống hệt hoặc tương tự với quy trình được nêu trong yêu cầu bảo hộ đang quan tâm. Điều này cho thấy rằng, khi đánh giá khả năng xâm phạm đối với dạng yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất ở Việt Nam, rất có thể quy trình sản xuất được nêu trong yêu cầu bảo hộ này sẽ được coi là dấu hiệu giới hạn phạm vi của sáng chế.

Kết luận, dạng yêu cầu bảo hộ sản phẩm bao gồm các dấu hiệu của quy trình sản xuất có thể được chấp nhận tại Việt Nam trong những trường hợp đặc biệt. Trong khi Cục SHTT chỉ xem xét các đặc trưng của chính bản thân sản phẩm được yêu cầu bảo hộ khi đánh giá khả năng cấp bằng của dạng yêu cầu bảo hộ này như được thể hiện trong Quy chế, thì các quy định pháp lý hiện hành lại cho thấy rằng các cơ quan thực thi có thẩm quyền rất có thể sẽ coi quy trình sản xuất nêu trong yêu cầu bảo hộ là dấu hiệu giới hạn phạm vi sáng chế trong quá trình đánh giá khả năng xâm phạm khi có vụ việc xảy ra./.




Tin tuyển dụng luật sư 3

Vision & Associates là một công ty tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấ trong các lĩnh vực tư vấn luật – tư vấn sở hữu trí tuệ – tư vấn đầu tư và kinh doanh.  Hiện nay, văn phòng tại Hà Nội của chúng tôi đang tìm kiếm các ứng viên tiềm năng vào 02 vị trí tư vấn luật và tư vấn sở hữu trí tuệ – cấp bậc Trưởng phòng

Đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật;
  • Tối thiểu 3 đến 5 năm kinh nghiệm thực tiễn làm tư vấn luật trong các lĩnh vực như doanh nghiệp/mua bán & sáp nhập; tài chính & ngân hàng; doanh nghiệp/thương mại; năng lượng/tài nguyên/dự án; xây dựng; tranh chấp/ kiện tụng thương mại quy mô nhỏ và/hoặc tư vấn sở hữu trí tuệ (đặc biệt kinh nghiệm với dịch vụ tư vấn nhãn hiệu);
  • Có kỹ năng nghiên cứu, phân tích và giao tiếp tốt;
  • Trình độ ngoại ngữ tiếng Anh tốt bao gồm cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết;
  • Có khả năng làm việc độc lập và dưới áp lực công việc cao.

Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn xin việc (tiếng anh và tiếng việt);
  • Sơ yếu lý lịch (tiếng anh và tiếng việt), (chi tiết thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc) và 01 ảnh 4*6;
  • Bản photo các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm,…

Hồ sơ gửi về:

Công ty Vision & Associates

Phòng 308-310, Tầng 3, Hanoi Towers,

49 Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hoặc: Email: vision@vision-associates.com




Tin tuyển dụng luật sư 2

Vision & Associates là một công ty tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấ trong các lĩnh vực tư vấn luật – tư vấn sở hữu trí tuệ – tư vấn đầu tư và kinh doanh.  Hiện nay, văn phòng tại Hà Nội của chúng tôi đang tìm kiếm các ứng viên tiềm năng vào 02 vị trí tư vấn luật và tư vấn sở hữu trí tuệ – cấp bậc Trưởng phòng

Đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật;
  • Tối thiểu 3 đến 5 năm kinh nghiệm thực tiễn làm tư vấn luật trong các lĩnh vực như doanh nghiệp/mua bán & sáp nhập; tài chính & ngân hàng; doanh nghiệp/thương mại; năng lượng/tài nguyên/dự án; xây dựng; tranh chấp/ kiện tụng thương mại quy mô nhỏ và/hoặc tư vấn sở hữu trí tuệ (đặc biệt kinh nghiệm với dịch vụ tư vấn nhãn hiệu);
  • Có kỹ năng nghiên cứu, phân tích và giao tiếp tốt;
  • Trình độ ngoại ngữ tiếng Anh tốt bao gồm cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết;
  • Có khả năng làm việc độc lập và dưới áp lực công việc cao.

Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn xin việc (tiếng anh và tiếng việt);
  • Sơ yếu lý lịch (tiếng anh và tiếng việt), (chi tiết thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc) và 01 ảnh 4*6;
  • Bản photo các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm,…

Hồ sơ gửi về:

Công ty Vision & Associates

Phòng 308-310, Tầng 3, Hanoi Towers,

49 Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hoặc: Email: vision@vision-associates.com