Chi Nhánh Công Ty

Ngân hàng nước ngoài, công ty kiểm toán, công ty bảo hiểm, công ty luật, công ty quản lý quỹ, v.v. và các tổ chức kinh tế nước ngoài khác có thể thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Cơ quan cấp phép trong từng trường hợp là khác nhau, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Bộ Tài chính cấp phép thành lập chi nhánh công ty kiểm toán, công ty bảo hiểm và công ty quản lý quỹ, Bộ Tư pháp cấp phép thành lập chi nhánh công ty luật, v.v. và hiện nay Bộ Công Thương được ủy quyền cấp phép thành lập chi nhánh của các doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam.

Phần này chỉ tập trung vào chi nhánh của các công ty/thương nhân nước ngoài, hoạt động dưới sự quản lý của Sở Công Thương tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với lưu ý rằng việc thành lập mới chi nhánh công ty nước ngoài đều phải tuân thủ các cam kết WTO của Việt Nam, theo đó về nguyên tắc, Việt Nam không cam kết cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được lập chi nhánh tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ trừ các ngành sau:

(i)    Dịch vụ pháp lý;
(ii)    Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan;
(iii)    Dịch vụ tư vấn quản lý;
(iv)    Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý;
(v)    Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật liên quan;
(vi)    Dịch vụ nhượng quyền thương mại;
(vii)    Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ;
(viii)    Dịch vụ ngân hàng;
(ix)    Một số dịch vụ chứng khoán (Dịch vụ quản lý tài sản; Thanh toán và thanh toán bù trừ chứng khoán, các công cụ phái sinh và các sản phẩm liên quan đến chứng khoán khác; Cung cấp và chuyển thông tin tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán; Tư vấn trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty, v.v.).

Tuy nhiên, việc cấp phép trên thực tế có thể khác với quy định trong các cam kết WTO của Việt Nam như đã nêu. Hiện nay, chưa có bất kỳ thông tin nào về thời điểm Chính phủ Việt Nam sẽ hủy bỏ rào cản gia nhập thị trường nói trên.

7.1  Văn bản Pháp luật

Luật Thương mại ban hành ngày 14/01/2005 thiết lập nền tảng pháp lý chung cho hoạt động của các văn phòng đại diện và chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định số 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/01/2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về VPĐD và chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị định 07”).

Để hướng dẫn thực hiện Nghị định 07, ngày 05/07/2016 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BCT, quy định chi tiết tất cả các biểu mẫu liên quan đến việc xin cấp phép, tổ chức và và hoạt động của các VPĐD và chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (“Thông tư 11”).

7.2  Yêu cầu

Theo Nghị định 07, thông thường, một doanh nghiệp nước ngoài sẽ được cấp giấy phép thành lập chi nhánh nếu đáp ứng các điều kiện sau:

(i)    Công ty mẹ được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
(ii)    Công ty mẹ đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
(iii)    Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty mẹ có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
(iv)    Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ;
(v)    Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc công ty mẹ không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

7.3  Đề nghị Cấp giấy phép

Để thành lập chi nhánh tại Việt Nam, một công ty nước ngoài phải nộp một bộ hồ sơ cho Bộ Công Thương xin cấp giấy phép. Các tài liệu sau cần được nộp cho cơ quan cấp giấy phép để đề nghị cấp Giấy phép:

(i)    Đơn đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu);
(ii)    Bản sao được hợp pháp hóa lãnh sự giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương và các bản sửa đổi giấy đăng ký kinh doanh của công ty mẹ;
(iii)    Văn bản của công ty mẹ được dịch ra tiếng Việt và chứng thực về việc cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;
(iv)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi công ty mẹ thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của công ty mẹ trong năm tài chính gần nhất;
(v)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực Điều lệ hoạt động của Chi nhánh trong đó quy định rõ phạm vi ủy quyền cho người đứng đầu Chi nhánh;
(vi)    Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh: bản sao biên bản ghi nhớ, thỏa thuận thuê địa điểm, hoặc tài liệu chứng minh công ty mẹ có quyền khai thác, sử dụng địa điểm; bản sao tài liệu về địa điểm; và
(vii)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hộ chiếu người đứng đầu Chi nhánh.

7.4  Thời hạn Cấp phép

Giấy phép thành lập Chi nhánh thông thường sẽ được cấp trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ. Đơn vị xin cấp phép phải trả phí cấp phép là 1 triệu đồng Việt Nam cho một giấy phép. Phí cấp phép phải được thanh toán sau khi bộ hồ sơ đề nghị cấp phép được phê duyệt.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp giấy phép, thông tin về Chi nhánh sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép.

7.5  Các Hoạt động được phép Thực hiện

Một chi nhánh được phép mua bán hàng hoá và thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo quy định của Luật Thương mại, cụ thể là:

(i)    Cung ứng dịch vụ trong các ngành dịch vụ, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập chi nhánh trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành;
(ii)    Cho thuê văn phòng, cho thuê và/hoặc mua sắm trang thiết bị cần thiết để vận hành chi nhánh;
(iii)    Tuyển dụng nhân viên;
(iv)    Thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại Giấy phép;
(v)    Mở tài khoản ngân hàng;
(vi)    Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;
(vii)    Có con dấu mang tên chi nhánh;
(viii)    Thực hiện các hoạt động thương mại và các hoạt động khác nêu trong Giấy phép.

7.6  Thời hạn Giấy phép

Giấy phép thành lập chi nhánh có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty mẹ trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn. Giấy phép hoạt động có thể được gia hạn khi hết thời hạn, trừ trường hợp có các hành vi vi phạm sau:

(i)    Không hoạt động trong 01 năm và không phát sinh các giao dịch với Cơ quan cấp giấy phép.
(ii)    Không báo cáo về hoạt động của Chi nhánh trong 02 năm liên tiếp.
(iii)    Không gửi báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
(iv)    Trường hợp khác theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, khi có các hành vi vi phạm trên, Chi nhánh sẽ bị thu hồi Giấy phép thành lập.

7.7  Thuế

Chi nhánh của các doanh nhân nước ngoài phải đóng thuế theo các quy định của Việt Nam. Nội dung này sẽ được nêu chi tiết trong Phần 16 dưới đây.




Chuyển Giao Công Nghệ

Văn bản Pháp luật

Bộ luật Dân sự (bộ luật cũ do Quốc hội ban hành ngày 14/06/2005, và nay được thay thế bằng bộ luật mới được ban hành ngày 24/11/2015) tạo lập nền tảng pháp lý cơ bản cho các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự hiện là Luật Chuyển giao Công nghệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và Nghị định số 133/2008/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2008, được sửa đổi và bổ sung bằng Nghị định số 103/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 (“Nghị định 133”) và Nghị định số 120/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 (“Nghị định 120”).

Phạm vi Hoạt động Chuyển giao Công nghệ

Phạm vi hoạt động chuyển giao công nghệ khá rộng. Công nghệ chuyển giao phải không nằm trong danh mục các công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc danh mục các công nghệ cấm chuyển giao, quy định tại các Phụ lục 2 và 3 của Nghị định 120. Đối tượng công nghệ được chuyển giao là một phần hoặc toàn bộ công nghệ sau:

(i)    Bí quyết kỹ thuật;
(ii)    Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; và
(iii)    Giải pháp hợp lý hóa sản xuất và đổi mới công nghệ;
(iv)    Nhượng quyền thương mại.

Đối tượng công nghệ được chuyển giao có thể gắn hoặc không gắn với đối tượng sở hữu công nghiệp.

Nội dung Hợp đồng

Các bên tham gia giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây:

(i)     Tên hợp đồng chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ tên công nghệ được chuyển giao;
(ii)     Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra;
(iii)    Chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ;
(iv)    Phương thức chuyển giao công nghệ;
(v)     Quyền và nghĩa vụ của các bên;
(vi)    Giá, phương thức thanh toán;
(vii)   Thời điểm, thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
(viii)   Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có);
(ix)    Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ;
(x)    Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao;
(xi)    Phạt vi phạm hợp đồng;
(xii)   Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
(xiii)   Pháp luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp;
(xiv)  Cơ quan giải quyết tranh chấp;
(xv)   Các thoả thuận khác không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương văn bản, bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thoả thuận; trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt. Hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị như nhau.

So với các quy định cũ, các quy định mới về chuyển giao công nghệ thông thoáng hơn và tôn trọng kế hoạch kinh doanh của các bên, vì đã bỏ đi một số hạn chế và quy định cấm trong một hợp đồng chuyển giao công nghệ, ví dụ như về giá bán công nghệ, nguồn cung cấp nguyên liệu, thị trường, thời hạn, v.v.

Đăng ký và Thời hạn

So với các quy định cũ, các quy định hiện hành cho phép các bên có toàn quyền quyết định việc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật, thay vì bắt buộc phải đăng ký như trước đây.

Theo Nghị định 133, các cấp có thẩm quyền xác nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ gồm:

(i) Tại cấp trung ương, Bộ KHCN cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được gửi 01 (một) bản cho Sở KHCN tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, nơi bên nhận đặt trụ sở chính để phối hợp theo dõi và kiểm tra việc thực hiện hợp đồng; và
(ii) Tại cấp địa phương, Sở KHCN tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ không thuộc trường hợp nêu ở trên. Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được gửi 01 (một) bản đến Bộ KHCN để quản lý tổng hợp.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng. Thông thường, nếu bộ hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:

(i) Đơn đề nghị đăng ký; và
(iv) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trong trường hợp các bên tham gia chuyển giao công nghệ là tổ chức, cá nhân Việt Nam thì chỉ cần bản hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt. Hợp đồng phải được các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên tham gia hợp đồng là tổ chức.

Thuế

Các loại thuế áp dụng cho bên chuyển giao sẽ được nêu cụ thể trong Phần 16 dưới đây.




Nhà Thầu Nước Ngoài

Thương nhân nước ngoài có thể tham gia đấu thầu để thực hiện các dự án và các công việc kinh doanh khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhà thầu nước ngoài thường gặp khó khăn khi đấu thầu tại Việt Nam vì vẫn thiếu các quy định chung về vấn đề này.

Văn bản Pháp luật

Hiện nay, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thay thế Quyết định số 87/2004/QD-TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, được sửa đổi và bổ sung bằng Quyết định số 03/2012/QD-TTg ngày 16/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sẽ được thay thế bằng Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng từ ngày 01/09/2016); Thông tư số 14/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; Thông tư số 53/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương về việc quy định chi tiết việc đăng ký danh mục hàng nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam; và Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam là những văn bản pháp luật có liên quan nhiều nhất tới hoạt động của các nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam. Tùy vào tính chất kinh doanh, các hoạt động của nhà thầu sẽ tuân theo quy định cụ thể của ngành, bao gồm quy định về chuyển giao công nghệ, xây dựng, v.v.

Dưới đây là một số quy định về nhà thầu và nhà thầu phụ xây dựng nước ngoài.

Yêu cầu

Để trở thành một nhà thầu hoặc nhà thầu phụ xây dựng tại Việt Nam, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

(i)    Phải công bố thông tin trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng theo phân cấp;
(ii)    Đã trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư và có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng trong trường hợp các gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng theo quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam; và
(iii)    Phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.

Đề nghị Cấp phép

Để xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép tới cơ quan cấp phép (Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ XD hoặc Sở Xây dựng nơi có dự án).

Mỗi bộ hồ sơ đối với nhà thầu nước ngoài là tổ chức bao gồm các tài liệu sau:

(i)    Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bằng tiếng Việt theo mẫu;
(ii)    Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp;
(iii)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự) hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;
(iv)    Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động xây dựng liên quan đến công việc nhận thầu theo mẫu và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong 3 năm gần nhất (đối với trường hợp nhà thầu là tổ chức nhận thực hiện gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc phải áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam); và
(v)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam (có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu), trong đó xác định rõ phần việc mà nhà thầu Việt Nam thực hiện; hoặc hợp đồng với thầu phụ Việt Nam kèm theo văn bản chấp thuận của chủ đầu tư và bản sao Giấy đăng ký kinh doanh của nhà thầu phụ Việt Nam trường hợp khi dự thầu hoặc chọn thầu chưa xác định được thầu phụ;
(vi)    Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu theo mẫu; và
(vii)    Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nếu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại các khoản (iii) và (iv).

Mỗi bộ hồ sơ đối với nhà thầu nước ngoài là cá nhân bao gồm các tài liệu sau:

(i)       Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bằng tiếng Việt theo mẫu;
(ii)    Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp;
(iii)    Bản sao được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự) hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) Giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp; và bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hộ chiếu; và
(iv)    Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nếu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại khoản (iii).

Phụ thuộc vào tính chất và quy mô dự án đấu thầu, Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ XD hoặc Sở XD tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cấp giấy phép hoạt động xây dựng trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ.

Nhà thầu có trách nhiệm nộp lệ phí 2.000.000 đồng Việt Nam khi nhận giấy phép.

Các Hoạt động Được phép Thực hiện

Sau khi được cấp giấy phép, nhà thầu xây dựng nước ngoài có các nghĩa vụ sau:

(i)    Lập Văn phòng điều hành (hợp đồng thuê văn phòng hoặc lập văn phòng điều hành tại nơi có dự án, nơi đăng ký trụ sở của chủ dự án hoặc một địa phương có công trình đi qua, tùy thuộc hợp đồng giao nhận thầu) và đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, thư điện tử, dấu, tài khoản và mã số thuế của Văn phòng điều hành công trình và người đại diện thực hiện hợp đồng tại cơ quan có liên quan theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án nhận thầu. Đối với nhà thầu thực hiện các gói thầu lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình có thể đăng ký các nội dung nêu trên tại địa phương khác không phải là nơi có dự án nhận thầu.

Sau khi thực hiện xong việc đăng ký các nội dung của Văn phòng điều hành, nhà thầu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo mẫu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện các thông tin đó tới Sở Xây dựng nơi lập Văn phòng điều hành, Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan;

(ii)    Đăng ký sử dụng con dấu của Văn phòng điều hành công trình tại Công an tỉnh, thành phố nơi có công trình xây dựng. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong các công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép thầu. Khi kết thúc hợp đồng, nhà thầu nước ngoài phải nộp con dấu cho cơ quan đã cấp dấu đó;

(iii)    Đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;

(iv)    Thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động;

(v)    Làm các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn của Bộ Công Thương, bao gồm:
•    Đăng ký tạm nhập tái xuất vật tư, máy móc, thiết bị thi công xây dựng;
•   Đăng ký danh mục nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, các thiết bị toàn bộ và đồng bộ cho công trình thuộc hợp đồng nhận thầu.

(vi)    Thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng;

(vii)    Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu bao gồm: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm tài sản hàng hóa đối với nhà thầu mua sắm; các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;

(viii)    Đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu;

(ix)    Đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

(x)    Tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan;

(xi)    Gửi báo cáo định kỳ theo mẫu về tình hình thực hiện hợp đồng (vào ngày 20 tháng 12 hàng năm) tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng và Sở Xây dựng nơi có dự án; và

(xii)    Khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình; chịu trách nhiệm bảo hành; quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu; xử lý vật tư, thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công xây dựng công trình theo quy định về xuất nhập khẩu; tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng ký theo chế độ tạm nhập – tái xuất; thanh lý hợp đồng. Đồng thời thông báo tới các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của Văn phòng điều hành công trình.

Thuế

Thuế áp dụng với các nhà thầu nước ngoài và nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam được mô tả chi tiết trong Phần 16 dưới đây.




Gia Công Cho Nước Ngoài

Các bên nước ngoài có thể thuê các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, gia công các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, hợp đồng gia công chỉ được ký sau khi được Bộ Công Thương cấp phép. Hợp đồng giao công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương và phải tối thiểu bao gồm những điều khoản theo quy định.

Văn bản Pháp luật

Hoạt động gia công hàng hóa cho các bên nước ngoài được quy định bởi Luật Thương mại ban hành ngày 14/06/2005; Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, được sửa đổi và bổ sung bằng Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ); và Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nội dung Hợp đồng

Hợp đồng gia công có nội dung tương tự như một hợp đồng kinh tế, bao gồm: Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp; Tên, số lượng sản phẩm gia công; Địa điểm và thời gian giao hàng; Giá gia công; Thời hạn và phương thức thanh toán; Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công; Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có); Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công; Nhãn hiệu và tên gọi xuất xứ hàng hóa; và thời hạn hiệu lực hợp đồng. Nhãn hiệu và xuất xứ hàng hóa liên quan đến hoạt động gia công thường thuộc trách nhiệm của bên đặt gia công nước ngoài.

Trong thực tế, cần đưa danh mục số lượng và trị giá nguyên liệu đầu vào, phụ liệu, vật tư cho hoạt động gia công vào hợp đồng, kèm theo định mức tiêu hao nguyên liệu và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công; và danh mục trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công. Các thỏa thuận về thiết bị liên quan cũng được đưa vào hợp đồng vì trong hầu hết các trường hợp, thiết bị thường được bên đặt gia công nước ngoài cho bên nhận gia công trong nước thuê. Cả nguyên liệu và thiết bị có thể được nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất.

Các Hoạt động Được phép Thực hiện

Các bên đặt gia công nước ngoài được quyền nhận và chuyển sản phẩm hoàn thiện, nguyên liệu và thiết bị cho thuê chưa sử dụng hết ra nước ngoài. Để giám sát các hoạt động gia công trong nước và hướng dẫn về các vấn đề kỹ thuật, bên đặt gia công nước ngoài có thể cử chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.

Thuế

Về nguyên tắc, nguyên liệu và thiết bị phục vụ cho các hoạt động gia công trong nước được miễn thuế theo quy định hiện hành của Việt Nam.