Môi Trường Xã Hội
Giáo dục
Hầu hết người Việt Nam đều được giáo dục tốt, tỷ lệ biết chữ tại Việt Nam là trên 95%. Về đào tạo đại học và cao đẳng, có tổng cộng khoảng 412 trường đại học và cao đẳng trên khắp cả nước, thu hút gần một triệu sinh viên mỗi năm.
Mặc dù không có trường học quốc gia nào dành riêng cho người ngước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức ngoại giao và kinh tế nước ngoài vẫn thành lập trường học cho con em và nhân viên mình tại đây. Gần đây, người nước ngoài đến công tác tại Hà Nội, có thể cho con họ ở độ tuổi từ 4 đến 15 học tại Trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc (UNIS), còn con những người nước ngoài công tác tại thành phố Hồ Chí Minh có thể học tại Trường Quốc tế International School Hochiminh City (ISH).
Chỗ ở
Trong những năm gần đây tại Việt Nam, chất lượng và số lượng các khách sạn quốc tế đã tăng đáng kể. Có rất nhiều khách sạn 4 đến 5 sao tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều khách sạn nhỏ, dễ tìm, với giá rẻ hơn rất nhiều so với các khách sạn hạng sang.
Ngoài các khách sạn, tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có thể dễ dàng tìm thấy các khu nhà ở. Rất nhiều khu nhà ở cao cấp tiêu chuẩn quốc tế đã mở cho thuê, với mức giá thấp hơn rất nhiều so với một vài năm trước đây. Khu nhà ở theo tiêu chuẩn trong nước cũng có nhiều, nhưng chủ yếu do người dân cung cấp với mức giá rẻ hơn. Người nước ngoài ưa chuộng thuê các khu nhà ở cao cấp hơn so với thuê nhà của người dân.
Giao thông Quốc tế và Nội địa
Hàng ngày luôn có các chuyến bay quốc tế khởi hành từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vietnam Airlines và các hãng hàng không trong nước và nước ngoài khác đều có các phòng vé tại cả hai thành phố. Các chuyến bay nội địa hàng ngày từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại thường kín chỗ. Hiện nay, Việt Nam có sáu hãng hàng không đang hoạt động mở các chuyến bay nội địa là Vietnam Airlines, Jestar Pacific, Vietjet Air, SkyViet, Vietstar Airlines và Hải Âu. Các hãng hàng không này đều sử dụng máy bay sản xuất tại Pháp hoặc Mỹ.
Về giao thông trên đất liền, ô tô buýt và tàu hỏa là hai hình thức vận chuyển nội địa phổ biến để người dân đi lại trong nội bộ thành phố/thị trấn và liên tỉnh, bao gồm tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Taxi tính tiền theo cây số cũng phổ biến tại các thành phố lớn và tại hai sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Thuê xe tự lái tương đối rẻ và có thể thuê các chuyến tham quan ngắn bằng xích lô. Dự kiến từ năm 2020 trở đi, Việt Nam có thêm một loại hình phương tiện công cộng mới là tàu điện (bao gồm tàu điện trên cao và tàu điện ngầm) được đưa vào sử dụng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phương tiện Truyền thông và Thông tin Liên lạc
Hệ thống thông tin liên lạc quốc tế (điện thoại, telefax và điện tín) và cơ sở hạ tầng internet (băng thông rộng, cáp quang, mạng không dây – wifi) đã thường xuyên được nâng cấp để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Các hình thức thông tin điện tử, bao gồm các điểm wifi, cũng khá phổ biến, là tiêu chuẩn, và có chi phí hợp lý, thậm chí có những vùng wifi miễn phí tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực đô thị và công nghiệp.
Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều các tờ báo nước ngoài bằng tiếng Anh, bao gồm cả các phiên bản điện tử. Bên cạnh đó, có một số báo nội địa và tạp chí bằng tiếng Anh được xuất bản tại Việt Nam, bao gồm báo Đầu tư (Vietnam Investment Review) xuất bản hàng tuần, báo Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic News) xuất bản hàng tuần, Thời báo Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Times) xuất bản hàng tháng, v.v. Tại Việt Nam còn có bán một số tạp chí kinh doanh xuất bản tại các nước trong khu vực.
Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam phát tin tức bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ thông dụng khác, ví dụ như tiếng Pháp. Tại Việt Nam còn có các chương trình truyền hình và phát thanh phát sóng từ nước ngoài như CNN, BCC, Australia Network, TV5, DW, Russia-1, NHK, KBS, v.v.