Môi Trường Chính Trị & Pháp Luật
Hệ thống Chính trị và Pháp luật
Hiến pháp nói chung thiết lập quyền làm chủ của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đại diện cao nhất của Đảng là Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Quyền của người dân được thực hiện thông qua Quốc hội ở cấp trung ương và Hội đồng Nhân dân ở các cấp địa phương khác nhau.
Quốc hội là đại diện cao nhất và cơ quan lập pháp, quyết định cả chính sách đối nội và đối ngoại. Đại biểu Quốc hội được bầu ra qua quá trình bầu cử phổ thông. Quốc hội bầu và có thể miễn nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Bên cạnh đó, Quốc hội có nhiệm vụ phê chuẩn việc Thủ tướng lựa chọn các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng. Quốc hội cũng có nhiệm vụ phê chuẩn cơ cấu tổ chức của Chính phủ và các cơ quan Chính phủ, và là cơ quan lập pháp tối cao. Nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm và việc bầu cử được tiến hành 2 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quản lý các vấn đề hàng ngày của Quốc hội, khi Quốc hội không tiến hành họp và trong thời gian này, Ủy ban Thường vụ nắm tất cả các quyền, bao gồm quyền lập pháp về các vấn đề được Quốc hội ủy nhiệm.
Người đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch nước, do Quốc hội bầu ra, đại diện cho quốc gia trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Cơ quan hành pháp cao nhất tại Việt Nam là Chính phủ, trước đây là Hội đồng Bộ trưởng. Cơ quan này nói chung được giao nhiệm vụ quản lý nền kinh tế và nhà nước. Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, người đứng đầu các Uỷ ban của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các bộ và cơ quan ngang bộ hỗ trợ Thủ tướng trong việc quản lý đất nước trong các lĩnh vực cụ thể thuộc thẩm quyền của mình. Các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng do Thủ tướng lựa chọn, nhưng phải do Quốc hội phê chuẩn. Ngoại trừ vị trí Thủ tướng, các thành viên Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Quyết định về các vấn đề chính phải được đa số thống nhất.
Dưới Chính phủ là Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân. Hội đồng Nhân dân do người dân bầu ra, và Hội đồng Nhân dân bầu ra Ủy ban Nhân dân. Các cơ quan này có tại cấp tỉnh/thành phố, huyện/quận và xã/phường. Mỗi tỉnh/thành phố, huyện/quận và xã/phường do một Ủy ban Nhân dân quản lý.
Tòa án và hệ thống viện kiểm sát tại Việt Nam có cơ cấu tương tự như hệ thống quản lý Nhà nước. Ở cấp Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất tại Việt Nam và Chánh án do Quốc hội bầu ra trong nhiệm kỳ Quốc hội. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có quyền khởi tố cao nhất tại Việt Nam, và Viện trưởng cũng do Quốc hội bầu ra trong nhiệm kỳ Quốc hội. Ở cấp địa phương, các cơ quan này có tại cấp tỉnh/thành phố và huyện/quận.
Hệ thống Pháp lý
Tại Việt Nam, hệ thống pháp lý bao gồm Hiến pháp, bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị và ở một chừng mực nào đó là công văn. Mặc dù tất cả đều có hiệu lực pháp luật, chỉ có các luật do Quốc hội ban hành được gọi là luật.
Pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thông thường để điều chỉnh một lĩnh vực mà luật chưa được ban hành và/hoặc điều chỉnh. Về các vấn đề Quốc hội ủy nhiệm cho Chính phủ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hoặc Quyết định, Chỉ thị để thực hiện luật hoặc pháp lệnh đã ban hành.
Các Thông tư, Quyết định và Quy định thường do các Bộ và cơ quan Nhà nước khác gồm có Ủy ban Nhân dân ban hành, và thường về các vấn đề thuộc thẩm quyền trách nhiệm và quyền ban hành văn bản pháp luật của cơ quan đó.
Một lưu ý khi nói tới văn bản pháp luật là đối với bộ luật, luật và pháp lệnh thì thường gọi tên, còn nghị định, quyết định, thông tư và chỉ thị thường đi kèm với số, ngày ký, và cơ quan ban hành.