Nhà Thầu Nước Ngoài
Thương nhân nước ngoài có thể tham gia đấu thầu để thực hiện các dự án và các công việc kinh doanh khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhà thầu nước ngoài thường gặp khó khăn khi đấu thầu tại Việt Nam vì vẫn thiếu các quy định chung về vấn đề này.
Văn bản Pháp luật
Hiện nay, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thay thế Quyết định số 87/2004/QD-TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, được sửa đổi và bổ sung bằng Quyết định số 03/2012/QD-TTg ngày 16/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sẽ được thay thế bằng Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng từ ngày 01/09/2016); Thông tư số 14/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; Thông tư số 53/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương về việc quy định chi tiết việc đăng ký danh mục hàng nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam; và Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam là những văn bản pháp luật có liên quan nhiều nhất tới hoạt động của các nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam. Tùy vào tính chất kinh doanh, các hoạt động của nhà thầu sẽ tuân theo quy định cụ thể của ngành, bao gồm quy định về chuyển giao công nghệ, xây dựng, v.v.
Dưới đây là một số quy định về nhà thầu và nhà thầu phụ xây dựng nước ngoài.
Yêu cầu
Để trở thành một nhà thầu hoặc nhà thầu phụ xây dựng tại Việt Nam, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(i) Phải công bố thông tin trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng theo phân cấp;
(ii) Đã trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư và có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng trong trường hợp các gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng theo quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam; và
(iii) Phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.
Đề nghị Cấp phép
Để xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép tới cơ quan cấp phép (Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ XD hoặc Sở Xây dựng nơi có dự án).
Mỗi bộ hồ sơ đối với nhà thầu nước ngoài là tổ chức bao gồm các tài liệu sau:
(i) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bằng tiếng Việt theo mẫu;
(ii) Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp;
(iii) Bản sao được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự) hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;
(iv) Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động xây dựng liên quan đến công việc nhận thầu theo mẫu và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong 3 năm gần nhất (đối với trường hợp nhà thầu là tổ chức nhận thực hiện gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc phải áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam); và
(v) Bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam (có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu), trong đó xác định rõ phần việc mà nhà thầu Việt Nam thực hiện; hoặc hợp đồng với thầu phụ Việt Nam kèm theo văn bản chấp thuận của chủ đầu tư và bản sao Giấy đăng ký kinh doanh của nhà thầu phụ Việt Nam trường hợp khi dự thầu hoặc chọn thầu chưa xác định được thầu phụ;
(vi) Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu theo mẫu; và
(vii) Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nếu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại các khoản (iii) và (iv).
Mỗi bộ hồ sơ đối với nhà thầu nước ngoài là cá nhân bao gồm các tài liệu sau:
(i) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bằng tiếng Việt theo mẫu;
(ii) Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp;
(iii) Bản sao được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự) hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) Giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp; và bản sao được dịch ra tiếng Việt và chứng thực hộ chiếu; và
(iv) Tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nếu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại khoản (iii).
Phụ thuộc vào tính chất và quy mô dự án đấu thầu, Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ XD hoặc Sở XD tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cấp giấy phép hoạt động xây dựng trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ.
Nhà thầu có trách nhiệm nộp lệ phí 2.000.000 đồng Việt Nam khi nhận giấy phép.
Các Hoạt động Được phép Thực hiện
Sau khi được cấp giấy phép, nhà thầu xây dựng nước ngoài có các nghĩa vụ sau:
(i) Lập Văn phòng điều hành (hợp đồng thuê văn phòng hoặc lập văn phòng điều hành tại nơi có dự án, nơi đăng ký trụ sở của chủ dự án hoặc một địa phương có công trình đi qua, tùy thuộc hợp đồng giao nhận thầu) và đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, thư điện tử, dấu, tài khoản và mã số thuế của Văn phòng điều hành công trình và người đại diện thực hiện hợp đồng tại cơ quan có liên quan theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án nhận thầu. Đối với nhà thầu thực hiện các gói thầu lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình có thể đăng ký các nội dung nêu trên tại địa phương khác không phải là nơi có dự án nhận thầu.
Sau khi thực hiện xong việc đăng ký các nội dung của Văn phòng điều hành, nhà thầu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo mẫu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện các thông tin đó tới Sở Xây dựng nơi lập Văn phòng điều hành, Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan;
(ii) Đăng ký sử dụng con dấu của Văn phòng điều hành công trình tại Công an tỉnh, thành phố nơi có công trình xây dựng. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong các công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép thầu. Khi kết thúc hợp đồng, nhà thầu nước ngoài phải nộp con dấu cho cơ quan đã cấp dấu đó;
(iii) Đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;
(iv) Thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động;
(v) Làm các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn của Bộ Công Thương, bao gồm:
• Đăng ký tạm nhập tái xuất vật tư, máy móc, thiết bị thi công xây dựng;
• Đăng ký danh mục nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, các thiết bị toàn bộ và đồng bộ cho công trình thuộc hợp đồng nhận thầu.
(vi) Thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng;
(vii) Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu bao gồm: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm tài sản hàng hóa đối với nhà thầu mua sắm; các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(viii) Đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu;
(ix) Đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(x) Tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan;
(xi) Gửi báo cáo định kỳ theo mẫu về tình hình thực hiện hợp đồng (vào ngày 20 tháng 12 hàng năm) tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng và Sở Xây dựng nơi có dự án; và
(xii) Khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình; chịu trách nhiệm bảo hành; quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu; xử lý vật tư, thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công xây dựng công trình theo quy định về xuất nhập khẩu; tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng ký theo chế độ tạm nhập – tái xuất; thanh lý hợp đồng. Đồng thời thông báo tới các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của Văn phòng điều hành công trình.
Thuế
Thuế áp dụng với các nhà thầu nước ngoài và nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam được mô tả chi tiết trong Phần 16 dưới đây.